Giám sát, ép nghỉ việc lao động nữ mang thai

(Dân trí) - Đa số lao động nữ chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, thu nhập thấp. Ngoài ra, hầu hết lao động nữ phải làm việc trong điều kiện làm việc kém, thời gian lao động kéo dài, rủi ro cao và dễ mất việc.

Ở nước ta, lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với lao động nam (ảnh minh họa)
Ở nước ta, lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với lao động nam (ảnh minh họa)

Bị phân biệt đối xử

Vừa qua, chị Lê Thị Kim Thanh, công nhân 1 công ty lắp ráp mô tơ điện trong khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) đã tố cáo hành vi phân biệt đối xử của lãnh đạo công ty khi biết chị mang thai. Cụ thể, lãnh đạo công ty này vận động chị nghỉ việc. Khi chị không đồng ý thì công ty không cho chị làm việc mà bắt chị ngồi 1 chỗ và cho người giám sát suốt thời gian làm việc.

Hành động ép công nhân mang thai phải “tự nguyện” nghỉ việc không phải là hiếm tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Thậm chí có công ty còn ra quy định ngầm là công nhân nữ mới tuyển vào không được phép mang thai trong 2 – 3 năm làm việc đầu tiên.

Không chỉ bị chủ doanh nghiệp ép uổng khi mang thai, lao động nữ ở nước ta còn bị phân biệt đối xử trong rất nhiều vấn đề khác so với lao động nam, đặc biệt là ở lĩnh vực tiền lương. Theo ông Tim De Mayer, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chênh lệch mức lương giữa lao động nữ và nam ở hầu hết các nước đều đang được kéo giảm. Trong khi đó, Việt Nam lại nằm trong nhóm số ít quốc gia có mức chênh lệch gia tăng.

Cụ thể, giai đoạn 2008 – 2011, chênh lệch mức lương giữa lao động nữ so với lao động nam tăng gần 2% so với giai đoạn 1999 – 2007. Hiện mức lương của lao động nam cao hơn lao động nữ khoảng 15%. Mức chênh lệch tiền lương theo giới này xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, nhóm trình độ và thành phần kinh tế.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM thì hầu hết lao động nữ làm những công việc không ổn định, tập trung ở những ngành sử dụng chủ yếu sức lao động, thu nhập thấp. Ngoài ra, họ phải làm việc trong điều kiện làm việc kém, thời gian lao động kéo dài, rủi ro cao và dễ mất việc.

Lao động nữ là động lực phát triển

Theo các chuyên gia ILO, chênh lệch về thu nhập khiến lao động nữ gặp nhiều thiệt thòi, không khuyến khích họ tham gia thị trường lao động, ảnh hưởng nhiều đến cơ hội học tập, đào tạo và thăng tiến của họ…

Còn tiến sĩ Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn thì khẳng định năng suất lao động nữ hoàn toàn không thua kém nam giới, trừ các công việc lao động cơ bắp. Do đó, sự phân biệt đối xử đối với lực lượng lao động này là không công bằng, các doanh nghiệp cần đánh giá đúng năng lực lao động của phụ nữ và trả lương xứng đáng.

Ông Stephane Gripon, Tổng giám đốc Diageo Việt Nam thì cho việc đối xử bất bình đẳng đối với lao động nữ là sự “thiệt thòi” cho nền kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng: “Nữ giới luôn chiếm khoảng 50% dân số trong độ tuổi lao động. Nếu khuyến khích họ tham gia thị trường lao động nhiều hơn, hỗ trợ nâng cao năng lực làm việc cho họ thì đó là một nguồn động lực không nhỏ giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn”.

Theo ông Stephane Gripon thì nâng cao vị thế lao động nữ là một tiêu chí phát triển mà hầu hết các doanh nghiệp lớn ở châu Âu theo đuổi. Như tại công ty của ông, mục tiêu này còn được xây dựng thành chương trình hành động với tên gọi Plan W. Ông cho biết: “Kế hoạch này được xây dựng với phương châm Win – Win, có nghĩa là cùng thắng. Chúng tôi đầu tư nâng cao năng lực làm việc cho chị em phụ nữ, nâng cao thu nhập. Công ty thì thu được lợi nhuận lớn hơn vì năng suất lao động của nhân viên tăng cao”.

Ông Trần Anh Tuấn cũng đồng tình quan điểm cần nâng cao năng lực cho lao động nữ bằng các hoạt động dạy nghề và tạo điều kiện cho họ tiếp cận công việc phù hợp sau khi được học nghề. Chỉ có như vậy mới có thể giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho lao động nữ, giúp xóa dần khoảng cách so với lao động nam.

Tùng Nguyên