TPHCM:

Giám đốc Sở GTVT nêu bất cập khi thu phí xe máy 0 đồng

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, khi thành phố áp dụng mức phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô là 0 đồng, đồng nghĩa với việc người dân không phải đóng phí. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa 2 phương án này.

Sở GTVT TP kiến nghị không nên đề xuất
mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô là 0 đồng
Sở GTVT TP kiến nghị không nên đề xuất mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô là 0 đồng

Theo báo cáo của Sở GTVT TP gửi UBND TP về tình hình triển khai công tác thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô, khi thành phố không thực hiện thu phí sẽ giảm bớt thủ tục hành chính mà cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện, hạn chế phát sinh bộ máy quản lý tại địa phương, giảm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc không thực hiện thu phí đối với xe mô tô phải xin ý kiến của Trung ương trước khi thực hiện vì đây là quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Còn nếu HĐND TP quy định mức thu phí là 0 đồng, theo Sở GTVT, thành phố sẽ không có nguồn thu mà vẫn phải tốn chi phí để tổ chức tập huấn, triển khai kê khai, chi phí mua biên lai (dự kiến 995 triệu đồng/năm), phát biên lai,…

Trong khi đó, pháp luật không quy định việc phương tiện đăng ký địa bàn nào phải nộp phí bảo trì đường bộ trên địa bàn đó. Thực tế này sẽ dẫn đến tình trạng xe mô tô trên địa bàn lân cận đổ xô về TPHCM để kê khai đăng ký hoạt động (tạm trú) nhằm được đóng phí ở mức 0 đồng. Ngoài ra, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình triển khai thu, nộp phí tại 62 tỉnh, thành còn lại khi người dân có sự so sánh và ảnh hưởng đến chủ trương đóng phí tại địa phương.

Mức thu phí được HĐND TP thông qua tại
Nghị quyết số 31/2014/NQ-HĐND
Mức thu phí được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 31/2014/NQ-HĐND

Theo số liệu thống kê, phương tiện xe mô tô đăng ký trên địa bàn thành phố tính đến cuối năm 2014 là hơn 6,8 triệu xe. Nếu thu được từ các phương tiện này, kinh phí dự kiến khoảng 307 tỷ đồng/năm. Trong đó chi phí để lại cho đơn vị thu là gần 36 tỷ đồng, kinh phí thực hiện công tác bảo trì đường bộ là 271 tỷ đồng.

Sở GTVT TP nhận định, tuy số tiền trên không lớn nhưng phần nào giảm được gánh nặng của nhà nước cấp cho bảo trì đường bộ, đặc biệt là tại các địa phương để phục vụ công tác duy tu, sửa chữa đường bộ.

Trên cơ sở nhận định trên, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP có tờ trình kiến nghị HĐND TP tiếp tục triển khai thu phí xe mô tô. Từ kết quả thu và sử dụng nguồn phí này trong năm 2015, sẽ tiến hành phân tích, đánh giá hiệu quả thực tiễn. Từ đó, đề xuất UBND TP kiến nghị với Trung ương không triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô chứ không nên đề xuất mức thu là 0 đồng.

Cũng tại báo cáo này, Sở GTVT TP cho biết hiện các quận, huyện đang tiến hành phát phiếu kê khai và chưa thực hiện việc thu phí. Riêng chỉ có UBND quận 9 đã thu phí xe mô tô từ 1/6/2015. Tính đến 28/6, quận 9 đã thu phí được 12.920 xe mô tô, đạt 29,5% so với tổng phương tiện thuộc diện phải kê khai là gần 44.000 xe, với tổng số tiền thu được là 1,156 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thu gặp nhiều khó khăn vì chỉ thu được của các chủ phương tiện có nhu cầu hoặc tự giác đến nộp. Thu phí giờ hành chính rất ít do người dân phải đi làm, thu ngoài giờ thì phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý, cất giữ tiền thu được. Trong khi đó, đa số người dân còn chưa đồng tình vì đã phải đóng quá nhiều loại phí khi tham gia giao thông… Trước những khó khăn gặp phải trong lần đầu tiên triển khai thu, UBND quận 9 cũng kiến nghị nên thu phí xe mô tô vào giá xăng thì hợp lý hơn.

Nhiều địa phương cho rằng, việc thu phí đường bộ đối với xe máy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bỏ thu phí này. Ý kiến của bạn:
Thu phí này là bất hợp lí bởi người dân đã gánh nhiều loại thuế, phí khác để xe chạy được trên đường
Duy trì loại phí này giúp các địa phương có những con đường đẹp hơn
Ý kiến khác
  

Quốc Anh