1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giấc mơ Thủ Thiêm thành Thượng Hải có là hiện thực

TPHCM dự kiến đến năm 2010, khu đô thị mới Thủ Thiêm cơ bản được hình thành. Chỉ còn 3 năm nữa để thực hiện kế hoạch trên, nhưng trên thực tế nhiều nhà đầu tư đã không chọn Thủ Thiêm. Vì sao vậy?

UBND TPHCM đã quyết định không di dời trung tâm hành chính sang Thủ Thiêm như dự định trước đây mà để nguyên như hiện nay. Thông tin này không quá bất ngờ với giới chuyên môn nhưng có lẽ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển và hình dáng của Thủ Thiêm trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia nghi ngại, TP mới mà không có trung tâm hành chính - trái tim của TP thì sẽ phát triển ra sao? Và rằng, chính quyền có thật sự quyết tâm xây dựng nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm có tầm vóc như một “phố đông” của Thượng Hải?

Hiện cao ốc Bitexco 64 tầng, cao ốc Mê Linh, Kumho và hàng loạt công trình trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp khác cũng đều được các nhà đầu tư “xin” xây dựng tại khu trung tâm hiện hữu và các quận nội thành. Đến thời điểm này chỉ mới có khảo sát chứ chưa nhà đầu tư nào có ý định xây dựng các công trình tại Thủ Thiêm.

Ngay cả trung tâm tài chính, một “xúc tác” để Thủ Thiêm “lớn” nhanh cũng đang được các ngân hàng, Cty chứng khoán, tổ chức tài chính… kiến nghị UBND TPHCM quy hoạch lại khu tứ giác Nguyễn Công Trư - Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Bến Chương Dương - Pasteur (Q.1) để thành một phố “Wall” của VN.

Tổng GĐ điều hành của quỹ đầu tư V. cho biết: “Chúng tôi không có ý định đầu tư sang Thủ Thiêm vì không thuận lợi lắm”. Một trong những “bất lợi” lớn nhất mà Thủ Thiêm đang gặp phải là “tiến độ quá chậm, tranh cãi quá nhiều” như không ít đại biểu HĐND TPHCM đã nói thẳng.

Sau nhiều lần “bàn đi, tính lại”, tổng kinh phí đền bù cho dự án Thủ Thiêm đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng và UBND TPHCM chỉ đạo đến tháng 7/2007 phải xong công tác đền bù giải tỏa.

Chủ tịch UBND Q.2 Hà Phước Tài thừa nhận, đã chậm so với kế hoạch trước đây hơn 2 năm nhưng xem ra mọi việc vẫn diễn biến khá chậm, trong đó khâu yếu nhất là “chính sách và thủ tục, tái định cư”. Nếu năm 2007 giải tỏa xong thì 2008 mới bắt đầu xây dựng, vậy liệu 2010 có xong được 40-50% diện tích như mong muốn?

Khi được chọn trong quỹ đất còn lại của TPHCM để “bù” cho việc không xây được cao ốc 54 tầng tại công viên 23-9, tập đoàn LG đã chọn ngay Nhà Bè để tiến hành dự án sẽ hiện đại hơn cả Phú Mỹ Hưng.

Nhiều tập đoàn lớn khác của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng có xu hướng chọn khu Nam Sài Gòn hơn là Q.2 vì cơ sở hạ tầng tốt hơn, giao thông thuận tiện. Khi cầu Phú Mỹ xong vào năm 2009 thì việc Q.7 sang trung tâm TP mới sẽ không còn trở ngại.

Tổng GĐ một Cty địa ốc lớn cho biết: “TP đã chọn phát triển về hướng biển nên nhiều nhà đầu tư chọn Q. 7, Nhà Bè là điều tất nhiên”. Ngay như cơn sốt đất vừa qua, dường như chỉ có khu Nam Sài Gòn là tăng chóng mặt. Hàng loạt dự án nhà ở mới của Hoàng Anh - Gia Lai, Him Lam, V- Con, Vạn Phát Hưng, Hoàng Kim... cũng đều chọn Q.7 và tiêu thụ rất nhanh, điều mà nhiều dự án tại Q.2 đang mơ ước.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại với tầm vóc “quốc tế” như đề án thiết kế của SASAKI (Mỹ) với diện tích 737 ha không chỉ là mong mỏi của lãnh đạo TPHCM mà còn là ước muốn từ hàng chục năm nay của nhân dân TP. Nhưng với việc “phân tán” trung tâm hành chính, tài chính, thương mại… như hiện tại thì việc kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn vào đây đang là bài toán quá khó và có vẻ mâu thuẫn.

Theo Trưởng ban Quản lý khu đô thị Thủ Thiêm Vũ Hùng Việt thì cần 600 triệu USD để xây dựng Thủ Thiêm (chưa kể các công trình xã hội, công cộng…), một số tiền không quá lớn so với tầm vóc Thủ Thiêm.

Nhưng điều quan trọng hơn cả theo như PGS- TS Võ Văn Sen (Phó hiệu trưởng ĐH-KHXH&NV TPHCM) là “quan trọng nhất để xây dựng được Thủ Thiêm là làm thế nào để giải tất cả các bài toán đã được các nhà khoa học, quy hoạch kiến trúc và thực tế đề ra” . Cảnh báo ấy không thừa bởi với việc “phân tán” các trung tâm, TPHCM có vẻ đang “lúng túng” giải những bài toán khó.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong