1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia nhập WTO: “Một số nước đang làm khó Việt Nam”

Đại sứ Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngô Quang Xuân nhận định việc Việt Nam chưa thể gia nhập tổ chức này tại hội nghị bộ trưởng ở Hong Kong tháng 12 tới không do các nguyên nhân chủ quan.

Theo đại sứ, diễn biến mới nhất cho thấy khó khăn trên bàn đàm phán với Mỹ và Úc hiện là lực cản lớn nhất. Đại sứ Ngô Quang Xuân trả lời phỏng vấn hôm qua (21/10) tại Hà Nội.

 

Thưa đại sứ, bảy tuần nữa là hội nghị tại Hong Kong khai mạc. Trước đây, dư luận vẫn cho rằng VN nhiều khả năng được kết nạp vào WTO tại Hong Kong. Đại sứ có thể cho biết VN hiện đứng ở đâu trong sân chơi WTO?

 

Sau 10 phiên đàm phán chính thức và một phiên trù bị, các cố gắng trong đàm phán của VN đã được hầu hết các nước công nhận, nhất là các nước có yêu cầu đàm phán với VN.

 

Tại Geneva nơi WTO đóng đô, nhiều đối tác đánh giá rất cao khối lượng công việc khổng lồ mà VN đã thực hiện những năm qua.

 

Quan trọng hơn, họ nhìn nhận rằng VN đang cải cách, mở cửa mạnh mẽ và tích cực tham gia thúc đẩy tự do thương mại, đóng góp vào tiến bộ chung của các vòng đàm phán thương mại. Sự tham gia của VN vào WTO không chỉ có lợi cho VN mà còn mang lại lợi ích cho các nước.

 

Tại bàn đàm phán đa phương, chúng ta đã tuyên bố dỡ bỏ mọi rào cản tiếp cận thị trường, dỡ bỏ các loại trợ cấp, giảm đáng kể mức thuế quan, tôn trọng các qui định,  nguyên tắc của WTO như đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc.

 

VN cũng đã ký chính thức kết thúc đàm phán với 21 đối tác, trong đó có những đối tác thường được coi là khó khăn như EU, Nhật, Canada… Có thể nói chúng ta đã tiến một bước dài và rất xứng đáng gia nhập câu lạc bộ thương mại lớn nhất hành tinh này.

 

Còn xét cả diễn biến tại WTO và theo logic thông thường, VN hoàn toàn có thể được gia nhập WTO tại hội nghị ở Hong Kong tháng 12 tới.

 

Nhưng điều này lại không thể xảy ra. Thưa đại sứ, đâu là lực cản?

 

Vào thời điểm này có thể nói điều chúng ta và cả rất nhiều đối tác quốc tế trông đợi đã không thể thực hiện. Như tôi nói ở trên, lý do hoàn toàn không phải do chúng ta thiếu nỗ lực. Chúng ta đã làm việc hết mình, đã vượt qua nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.

 

Trước và sau phiên đàm phán chính thức lần 10 vừa qua, dư luận tại Geneva cho rằng Mỹ chưa sẵn sàng kết thúc đàm phán với VN. Một mặt, tại bàn đàm phán đa phương, Mỹ tiếp tục đưa ra các đòi hỏi quá cao đối với VN, mặt khác ngày càng đặt ra nhiều vấn đề mới trong đàm phán song phương với VN.

 

Theo tôi, phía Mỹ hiểu rõ khả năng của VN và cũng hiểu rằng VN không thể đáp ứng các yêu cầu mà Mỹ mới đưa ra.

 

VN đã tiến hành đàm phán gia nhập WTO mười năm qua. Các nước thành viên đều đánh giá cao thái độ rất tích cực và xây dựng của VN. Trước hết là quyết tâm chính trị của VN rất cao.

 

Thứ hai, chúng ta luôn bám sát diễn biến của các vòng đàm phán thương mại thế giới nhằm xem xét  nghiêm túc yêu cầu của các đối tác, từ đó đưa ra các phương án đàm phán linh hoạt.

 

Thứ ba, đoàn đàm phán phối hợp với các bộ ngành liên quan làm việc khẩn trương, không kể ngày đêm.

Cũng tại Geneva, phía Mỹ nêu lý do không thể hoàn thành sớm các thủ tục nội bộ đặc thù liên quan tới việc kết thúc đàm phán và ủng hộ VN gia nhập WTO tại tháng 12 tới. Điều này các chuyên gia và các nhà quan sát cho rằng nếu sẵn lòng giải quyết vẫn có cách thu xếp.

 

Qua quá trình đàm phán, chúng tôi chia sẻ với ý kiến của nhiều người cho rằng đàm phán thương mại nói chung và WTO nói riêng không chỉ thuần túy các vấn đề thương mại mà còn bao gồm sự tổng hợp các mối quan hệ chính trị - xã hội.

 

Một số ý kiến cho rằng Mỹ chưa muốn kết thúc đàm phán với VN vì nhiều lý do khác. Họ cho rằng trong bối cảnh EU, Nhật Bản… đã kết thúc đàm phán với VN, việc Mỹ tiếp tục làm khó trên bàn đàm phán là thái độ thiếu  thiện chí.

 

Cũng có nhiều dư luận phân tích Việt - Mỹ đã có Hiệp định thương mại song phương (BTA) và VN đang cố gắng thực hiện các cam kết trong BTA, là cơ sở khá vững chắc trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Đến nay, VN cũng mới chỉ ký duy nhất BTA với Mỹ do vậy phía Mỹ cũng không cần vội vàng.

 

Chúng ta chủ trương gác lại quá khứ, cải thiện quan hệ với Mỹ trên mọi lĩnh vực. Là người quan tâm theo dõi quá trình phát triển quan hệ Việt - Mỹ và hiện đang đóng góp vào quá trình đàm phán, tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng việc Mỹ không tích cực đi đến kết thúc đàm phán với VN là hành động trái chiều.

 

Thưa đại sứ, tuy nhiên không chỉ riêng với Mỹ mà chúng ta cũng còn chưa kết thúc đàm phán với một vài đối tác khác?

 

Trong các đối tác còn lại, với New Zealand, Honduras, Mexico và CH Dominican, chúng ta không còn nhiều vấn đề lớn. Tôi tin chúng ta sẽ nhanh chóng kết thúc đàm phán với họ. Điều đáng ngạc nhiên và khó hiểu với dư luận tại Geneva là sự khó khăn trong đàm phán với Úc.

 

VN và Úc có quan hệ song phương rất tốt, VN luôn hợp tác tích cực với Úc trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Vậy nên người ta chẳng thấy lý do xác đáng nào để Úc trở thành lực cản VN gia nhập WTO tại hội nghị ở Hong Kong.

 

Theo đại sứ, vậy đâu là kịch bản gia nhập WTO khả thi nhất?

 

Chúng ta đã nhận thức và xác định rõ gia nhập WTO là bước tiến vô cùng quan trọng cho tiến trình hội nhập của VN. Thời điểm gia nhập trước hết mang lại lợi ích quốc gia cho chúng ta.

 

Với tình hình hiện nay, chúng ta sẽ nỗ lực kết thúc đàm phán song phương ngay trước hội nghị Hong Kong hoặc bên lề hội nghị. Chúng ta cũng sẽ sớm kết thúc đàm phán đa phương để chuẩn bị thủ tục kết nạp. Theo tôi, phương án thực tế là VN sẽ gia nhập WTO trước khi vòng Doha kết thúc. Mà theo quan sát chung thì vòng Doha sẽ đi đến ngã ngũ trong năm 2006.

 

Xin cảm ơn đại sứ!

 

Theo Cẩm Hà
Tuổi Trẻ