Giá cả xứ Thanh “cắt cổ” hơn thành phố lớn

(Dân trí) - Một cành đào không hoa, vắng lá cũng dao động từ 150.000đ - 200.000đ, bếp ga loại thường được bán với giá tăng gấp 3 lần so với giá ở TPHCM… Anh Tiến, một công nhân về quê sắm tết “bất ngờ” trước những giá cả không có giới hạn tại vùng đất xứ Thanh.

“Choáng”!

Là công nhân của một khu công nghiệp lớn ở TPHCM, anh Tiến về quê ăn tết với túi tiền “rủng rỉnh” cùng niềm tin giá cả ở quê sẽ không đắt đỏ như thành phố, anh hi vọng sẽ sắm được một cái tết tươm tất cho gia đình.

Chiều 27 tết, anh Tiến quyết định xuống thành phố Thanh Hóa để sắm vài thứ đồ gia dụng. Tuy nhiên, khi lượt qua các mặt hàng anh quá bất ngờ trước những cái giá mà người bán đưa ra. Khẽ thở dài anh tâm sự: “Ở trong TPHCM, mình cũng mua cái bếp ga giống y hệt như thế này mà chỉ có giá 700.000đ, vậy mà ra ngoài này người ta đòi lên đến tận 1,6 triệu”.

Khi chúng tôi thắc mắc là tại sao anh không trả giá, anh bộc bạch: “Họ nói thách như vậy thì biết trả giá thế nào đây, như người bình thường thì trả giá khoảng 1 triệu nghĩ là đã mua rẻ rồi, nhưng thực tế họ vẫn mua đắt hơn thành phố lớn cả mấy trăm nghìn đồng”.

Nỗi boăn khoăn của anh Tiến cũng là cảm nhận chung của nhiều người sắm tết ở xứ Thanh. Hầu hết các cửa hàng lớn đều không niêm yết giá cả, chính vì vậy người mua lúc nào cũng phải chịu một cái giá “bán thách” cao ngất ngưởng, không ít người đã phải mua “hớ”.

Có lẽ ở xứ Thanh, nơi được người dân tụ tập mua sắm nhiều nhất là Trung tâm thương mại thành phố. Theo kinh nghiệm của người dân thì việc vào các siêu thị hay trung tâm thương mại có niêm yếu giá sẽ tránh được những cái giá “trên trời” ngoài thị trường.

“Mua trong này có đắt hơn một chút còn hơn là bị mắc lừa khi mua ở nơi khác. Mặt hàng thì phong phú, giá cả thì đa dạng không biết cách mua thì còn đắt hơn cả đi siêu thị”, chị Hoa, một người mua sắm ở Trung tâm thương mại thành phố cho biết.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng khi mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại ở Thanh Hóa vẫn đang phải mua các mặt hàng giá cao hơn các siêu thị lớn ở Hà Nội hay TPHCM.

Theo cách giải thích của nhiều người thì do cước phí vận chuyển từ các thành phố lớn về đây vào những ngày giáp tết gia tăng nên giá cả các mặt hàng cũng tăng lên chút ít, kể cả là ở các siêu thị hay trung tâm thương mại.

Chưa đến 30, còn lâu mới… “giảm giá”
 
Giá cả xứ Thanh “cắt cổ” hơn thành phố lớn - 1

Mất tiền trăm mới mua được những cành đào không có hoa như thế này
 
Choáng trước giá cả ở Thành phố, anh Tiến quyết định về huyện Triệu Sơn - Thanh Hóa để mua sắm, tuy nhiên anh lại một lần nữa thất vọng trước những mức giá tại các chợ quê.
 
Trước khi về quê, anh có mua tặng một cây đào Nhật Tân với dáng đẹp tại TPHCM chỉ với giá 200.000đ, ấy vậy mà tại đây một cành đào trơ trọi hoa lưa thưa đã có giá 180.000đ. “Sắm tết quê mà đắt hơn cả thành phố”, anh thở dài.

Theo giải thích của những người buôn đào thì năm nay người dân xứ Thanh có xu hướng không chơi quất mà chuyển sang chơi đào nên giá mua vào cao thì giá bán ra cũng phải cao là chuyện bình thường.

Nhằm tìm hiểu thực hư về sự “mất giá” của cây quất và sự “thăng hoa” của cành đào, chúng tôi có mặt tại trung tâm thị trấn của huyện Triệu Sơn để thâm nhập thực tế.

Mặc dù đã là chiều 28 tết nhưng số người đến hỏi mua quất chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những cây quất có dáng đẹp, sai quả giá khá mềm, dao động từ 80-100.000đ một cây vừa.

Nhưng với mức dưới 100.000đ thì hầu như không mua được đào. Nhìn một cành đào không hoa, không lá, người bán vẫn đưa ra cái giá 150.000đ.

Theo lời của một người dân, do người trồng đào có xu hướng mang đào xuống bán tại thành phố nên đã vô tình tạo ra sự khan hàng, giá cao ở thị trấn nhỏ này. 

Mặc dù giá cả nhiều mặt hàng ở xứ Thanh đang được bán ra với những cái giá “cắt cổ”, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người, khoảng chiều 30 tết, khi năm mới đã cận kề thì người ta mới “hỏa tốc” bán vội với bất cứ mức giá nào…

Nguyễn Sơn