Gặp lại vị tướng áp giải “Big Minh” đến Đài phát thanh Sài Gòn

(Dân trí) - 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, đặt mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Gần 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bản hùng ca về những con người, những huyền thoại… vẫn ngân vang cùng bài ca đất nước.
 

Phút hấp hối của chính quyền Sài Gòn

Trung tướng Phạm Xuân Thệ không khỏi xúc động khi nhớ lại thời khắc lịch sử ấy. Qua những hồi ức của ông, phần nào thấy được tâm trạng của Đại tướng Dương Văn Minh, tức Big Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà vào thời khắc cuối cùng của cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài 30 năm. (Chính giới Sài Gòn khi đó gọi đại tướng Dương Văn Minh là Big Minh để phân biệt với một tướng Minh khác, Trần Văn Minh, được gọi là Minh nhỏ).

Tướng Thệ kể, thời điểm đó ông là trung đoàn phó trung đoàn 66, được giao nhiệm vụ kết hợp cùng lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập: “Chúng tôi tiến vào nội đô Sài Gòn khoảng 8-9h sáng ngày 30/4/1975. Tôi còn nhớ như in quang cảnh đường phố Sài Gòn lúc đó, đâu đâu cũng ngổn ngang những chiếc xe Jeep, những khẩu súng tiểu liên cực nhanh AR15 do lính ngụy bỏ lại. Khung cảnh vắng lặng. Vẫn có vài tên lính ngụy còn sót lại tại các căn cứ yếu ớt phản kháng...”.

Một số xe tăng dẫn đường đi trước, ông Thệ ngồi trên chiếc xe Jeep đi phía sau. Hơn 10h, chiếc xe tăng 843 chạy đầu tiên được lệnh húc vào cổng phụ bên trái nhưng mắc kẹt nên dừng lại. Ngay lập tức, lái xe tăng 390 nhanh chóng tiến thẳng húc sập cổng chính để mở đường cho đoàn xe phía sau tiến vào. Tất cả các chiến sỹ đều giương cao nòng súng, sẵn sàng nhả đạn khi có lệnh.

Tuy nhiên, không khi trong Dinh Độc lập lúc này im ắng đến lạ thường. “Tôi nhìn vào trong, thấy ở sảnh có rất nhiều các nhà báo tập trung. Trong khuôn viên rộng khoảng 200m2, không có bóng một lính Việt Nam cộng hòa nào, chỉ có một vài chiếc xe hơi màu đen sang trọng, bóng loáng của tướng lĩnh, tổng thống chính quyền Sài Gòn được đặt ở dưới những tán cây xanh. Tôi cùng một vài đồng chí khác nhanh chóng cầm cờ giải phóng tìm đường lên nóc dinh Độc lập để cắm… Men theo bậc nhung trải thảm đỏ, lên đến hết tầng 2 thì có một người đàn ông cao to ra chặn trước mặt tôi. Ông ta tự giới thiệu là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh phụ tá cho Dương Văn Minh. Ông ta nói: "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc".

Ông Nguyễn Hữu Hạnh dẫn chúng tôi đi khoảng hơn 10m, đến một cửa phòng lớn, đang có khoảng 40 người ngồi ghế. Hướng tay về phía một người đàn ông cao lớn, da đen, ông Hạnh giới thiệu đây là Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Hạnh lại chỉ tay về phía một người thấp lùn, giới thiệu là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.

Đến lúc này tôi mới biết ông Dương Văn Minh, trước đó chỉ nghe trên đài nói là ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống chính quyền Sài Gòn, nhưng chưa hề biết mặt mũi ông Minh như thế nào.

Tướng Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến quân vào nội đô và đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao". Ngay lập tức, tôi trả lời: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả".

Nghe tôi nói xong, Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu lùi lại. Lúc này, dù ngồi bên trong Dinh Độc lập nhưng vẫn nghe rõ tiếng súng nổ từ khắp nơi trong thành phố dội về. Nhiều thành viên nội các của ông Dương Văn Minh lộ rõ sự lo sợ”, ông Thệ nhớ lại.

“Với suy nghĩ muốn mau chóng kết thúc súng nổ để bớt đổ máu tôi đề nghị ông Minh ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Nhưng ông Minh nhất quyết không ra Đài phát thanh. 5 phút rồi 10 phút trôi qua, tiếng súng vẫn nổ ra không ngớt. Tay phải tôi cầm một khẩu súng ngắn. Mặc dù trong phòng có điều hòa nhưng mồ hôi trên trán ông Minh vẫn rịn ra. Không khí căng thẳng.

Lúc này, tôi cùng một vài đồng chí của ta kiên quyết áp giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Bên ngoài dinh vẫn còn nhiều tiếng súng nổ, lo sợ nguy hiểm đến tính mạng nên Dương Văn Minh xin phép được tuyên bố đầu hàng ngay tại đó. Việc thương lượng kéo dài khoảng 15-20 phút, cuối cùng Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu phải miễn cưỡng đồng ý”.

Chỉ vào một tấm ảnh tư liệu để trên mặt bàn, Tướng Phạm Xuân Thệ chỉ vào từng người trên bức ảnh: “Đó đều là chiến sĩ Quân đoàn 2. Khi đó, lực lượng ta có mặt trong dinh đã rất đông, những khuôn mặt sạm màu khói súng nhưng rạng ngời. Chúng tôi phải rẽ đám đông để đi ra ngoài”.

Gần 40 năm trôi qua, kể từ giây phút lịch sử ấy nhưng tướng Thệ cho biết, đến bây giờ ông vẫn không quên được khuôn mặt, ánh mắt lo lắng của người đứng đầu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. “Trong suốt quá trình bị dẫn giải ra Đài Phát Thanh, ông Dương Văn Minh hầu như luôn cúi đầu, và tránh ánh mắt của mọi người xung quanh nhìn về phía mình. Uy thế của một vị tổng thống dường như đã không còn.

Rồi chính Dương Văn Minh lên xe Jeep đưa đường đưa ra Đài phát thanh. Tôi và Dương Văn Minh ngồi cùng một ghế ở bên ghế phụ, bên cạnh lái chính. Dương Văn Minh ngồi trong, tôi ngồi ngoài. Ông Vũ Văn Mẫu ngồi ghế sau cùng một số chiến sĩ khác. Tay tôi vẫn cầm khẩu súng ngắn.

Lúc này quân Giải phóng ở đó rất nhiều rồi: xe tăng, xe ô tô, bộ đội ta vào rất đông nên chúng tôi đi phải lách vì từ Dinh Độc lập ra Đài phát thanh mất khoảng 20 phút.

Trên đường đi, thấy xe tăng, pháo binh của ta hai bên đường rất đông, tôi hỏi ông Dương Văn Minh: “Ông thấy sức mạnh quân giải phóng như thế nào?”. Ông Minh đáp: “Chúng tôi biết khi quân giả phóng tiến công vào là chúng tôi sẽ thất bại”. Tôi hỏi tiếp: “Tại sao các ông biết thất bại mà không tuyên bố đầu hàng trước để chúng tôi phải đánh vào đến nơi và bắt các ông thì các ông mới tuyên bố đầu hàng?”. Dương Văn Minh nói: “Khi các ông chưa tiến công vào mà bên dưới tôi còn rất nhiều người chưa đồng tình với tôi mà nếu tôi tuyên bố đầu hàng trước thì người ta khử tôi mất", tướng Thệ nhớ lại.

Thời điểm này người dân Sài Gòn đã đổ ra đường rất đông, đoàn xe đưa Dương Văn Minh tới Đài phát thanh, đi đến đâu, đều nghe thấy tiếng hô: Quân giải phóng muôn năm! Độc lập – tự do – muôn năm! Thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông” ngập trong cờ hoa, khẩu hiệu. Nhiều người đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử. Còn chúng tôi - những người lính bước ra từ trận chiến dường như cũng quên hết mọi khó khăn, gian khổ, bắt tay nhau thở phào nhẹ nhõm "thắng rồi ư?", mọi việc cứ diễn ra một cách đầy bất ngờ và y như một giấc mơ.

“Nhiều đồng chí hi sinh trước giờ độc lập”

Là người lính trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, từng xông pha khắp các mặt trận ác liệt, Tướng Thệ bùi ngùi cho biết, bao giờ cũng vậy, sau mỗi chiến thắng vinh quang lại là những giọt nước mắt của những còn sống, nhớ về những đồng đội đã bỏ mình. “Có người nói rằng: “Giải phóng Sài Gòn không vỡ một cửa kính” nhưng nói như vậy là nói thế trận chung còn thực tế, sự hy sinh của người lính kéo dài cho đến tận giây phút cuối cùng.

Đặc biệt, khi tiến quân vào Sài Gòn, tại căn cứ Nước Trong - Long Thành thì hầu như cả trung đoàn bị thương vong. Căn cứ Nước Trong là vị trí chiến lược, có trường đào tạo sỹ quan thiết giáp, bộ binh của địch, được trang bị các vũ khí tối tân, hiện đại bậc nhất thời đó. Tại đây quân ta vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Trận đánh kéo dài trong gần ba ngày đêm từ ngày 26 đến chiều tối 28 mới giải phóng xong. Có đồng chí hôm trước vẫn còn tâm sự với tôi, lần này vào Sài Gòn sẽ quyết tâm vào Sài Gòn, bắt được người chỉ huy cao nhất của ngụy quyền, buộc chúng đầu hàng sớm, hôm nay đã ngã xuống. Cũng có đồng chí, mấy năm liền chinh chiến qua các mặt trận chưa một lần kịp gửi một lá thư về nhà, chưa kịp hưởng trọn một ngày phép, cũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường khói lửa…”.

Tướng Thệ chia sẻ, ngay trước cửa ngõ Sài gòn khi chỉ còn vài tiếng đồng nữa là toàn thắng, nhiều chiến sỹ của ta cũng đã hi sinh anh dũng. Khi quân ta tiến công qua cầu Sài Gòn, gặp phải sự phản kháng quyết liệt của địch. 2 chiếc xe tăng của ta bị bắn cháy. Đồng chí Ngô Xuân Nhỡ (tiểu đoàn trưởng xe tăng) hi sinh ngay trên tháp pháo, khu vực cửa Sài Gòn.

Là người chỉ huy trân đánh, Tướng Thệ cho biết, ám ảnh nhất với ông là sự hi sinh của đồng chí Tô Văn Thanh (tiểu đoàn 66) khi chỉ còn cách cánh Dinh Độc Lập chưa đầy 300m: “Nhiều lính ngụy đã bỏ chạy nhưng một số phần tử ngoan cố vẫn tụ tập lại hai bên đường. Lúc bộ đội ta đang thừa thắng xông lên thì bất ngờ bị những phần tử này tập kích. Đồng chí Thành hi sinh ngay khi đang điều khiển xe tăng tiến vào Dinh độc lập, khi chỉ còn vài phút nữa là toàn thắng trọn vẹn...”.

Hà Trang – Xuân Ngọc