Quảng Nam:

Gặp lại sản phụ có chuyến vượt lũ dữ đi đẻ không thể nào quên

(Dân trí) - Nước lũ đang lớn thì sản phụ chuyển dạ, giữa bốn bề nước nổi và mưa gió, nhờ giúp đỡ của hàng xóm cùng lực lượng công an; phải đi hai lần ghe, một lần ca nô và tăng-bo bằng ô tô, cuối cùng sản phụ cũng đã đến bệnh viện và vượt cạn thành công.

Bây giờ, khi đứa con gái gần hai tuổi, nhớ lại chuyện gần hai năm trước, chị vẫn còn xúc động vì đã vượt cạn thành công và cũng may mắn có sự giúp đỡ của nhiều người; đó là sản phụ Phan Vũ Việt Trinh (trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Dân trí đã có bài viết “Công an điều ca nô vượt lũ, đưa thai phụ “vượt cạn” kịp thời”).


Hai mẹ con chị Trinh hiện tại.

Hai mẹ con chị Trinh hiện tại.

Gần hai năm sau, một trong những “ân nhân” lúc đó cũng đã đến thăm chị, đó là ông Lê Nho Tâm – Trưởng Công an huyện Đại Lộc, người đã đưa đón chị tận bệnh viện để chị vượt cạn.

Bà Nguyễn Thị Nên (60 tuổi, mẹ chồng chị Việt Trinh) nhớ lại: “Lúc đó, lũ bao vây cả xóm, không có đường đi ra. Người dân được di tản lên chỗ cao, do nhà tôi cũng ở nơi cao ráo nên cũng có nhiều người đến ở tránh lũ. Tôi cũng nói với con dâu coi chừng lũ lớn lo đến bệnh viện trước vì cũng đã gần đến ngày sinh. Nhưng lũ ập vào nhanh quá, nửa đêm con dâu chuyển bụng nên buộc phải đi”.

Những người hàng xóm đã cùng hỗ trợ chị Trinh vượt lũ để chị vượt cạn năm xưa
Những người hàng xóm đã cùng hỗ trợ chị Trinh vượt lũ để chị vượt cạn năm xưa

Nhưng mưa lũ vây quanh, lại trúng nửa đêm không có chiếc ghe nào dám vào đón vì sợ vướng dây điện, bụi rậm lại không thấy đường vào. “Lúc đó, cả nhà đều lo lắm. Cả đêm con chuyển dạ nên đành khuyên con ráng chịu đựng chờ đến sáng may ra có ghe vào đón đi”, bà Niên tâm sự.

Rạng sáng, nhờ giúp đỡ của hàng xóm, vợ chồng chị Trinh lên ghe vượt lũ. Tuy nhiên, cũng phải qua 2 lần ghe mới đến được khu vực cầu Giao Thủy (đang xây dựng) vượt qua sông Thu Bồn trong lúc nước lũ đang chảy xiết, để đến Bệnh viện Đa khoa miền núi Bắc Quảng Nam.

“Lúc đó, em đứng giữa dòng nước chảy xiết gần 2 tiếng để chờ ca nô của mấy anh công an huyện Đại Lộc, trời thì mưa lạnh, nước chảy mạnh. Em vừa đau vừa sợ, đi cũng không được, đứng cũng không xong, không biết đi đường nào. Xuống Duy Xuyên cũng không được mà qua Đại Lộc cũng không xong vì nước lũ vây bốn bề”, chị Việt Trinh nhớ lại và rớm nước mắt.

Ông Lê Nho Tâm đến tận gia đình chị Trinh để chia vui trong cơn mưa bất chợt trong ngày 19/10
Ông Lê Nho Tâm đến tận gia đình chị Trinh để chia vui trong cơn mưa bất chợt trong ngày 19/10

Gần hai tiếng đứng giữa dòng nước mới có chiếc ghe nhỏ của người dân đưa ra dìu chị Trinh qua chỗ nước sâu đến trụ sở xã Đại An (huyện Đại Lộc). Nước càng ngày càng lớn, chị Trinh cắn răn chịu đau chờ ca nô lớn đến đưa vào bệnh viện. Tại trụ sở xã Đại An, chị Trinh đã được các cán bộ xã chuẩn bị sẵn sàng để có thể sinh bất cứ lúc nào. Chị được chăm sóc, ăn uống và… chờ đẻ nếu không đến kịp bệnh viện.

Gần trưa, sau rất nhiều cuộc điện thoại, chị được ca nô của công an huyện Đại Lộc cùng đích thân ông Lê Nho Tâm – Trưởng Công an huyện Đại Lộc đến đưa chị đi qua chỗ nước sâu và đưa vào bệnh viện.

Rất may, chị cũng đã vào viện kịp thời và vượt cạn thành công. Con gái chị được đặt tên “cúng cơm” là Bo Bo vì đây là kỷ niệm rất khó quên trong cuộc đời chị khi phải nhiều lần đổi ghe, đi ca nô trong lũ và vượt cạn thành công.

Mẹ con chị Trinh gặp lại nhân ân đã đưa chị vượt cạn thành công

Sau gần 2 năm đưa sản phụ vượt lũ và vượt cạn thành công, ngày 19/10, ông Lê Nho Tâm – Trưởng Công an huyện Đại Lộc đích thân đến thăm chị Việt Trinh.

Kỷ niệm về chuyến đưa sản phụ Việt Trinh vượt lũ lớn để chị vượt cạn thành công là một trong những kỷ niệm khó quên nhất của ông Tâm. Có những năm, đích thân ông cũng đi ca nô đến tận nhà những người đau ốm để đưa đến bệnh viện kịp thời trong mùa mưa lũ nhưng kỷ niệm đối với chị Trinh để lại trong ông nhiều xúc động nhất.

“Qua gần 2 năm, cũng vì nhiều lý do không được gặp lại chị Trinh, nhưng hôm nay tôi muốn biết chị sống như thế nào. Tôi rất vui khi được gặp lại người mình đã đưa đi sinh năm xưa, thấy cháu bé cách đây 2 năm trong một ca sinh khó giờ đã khỏe mạnh, dễ thương tôi rất mừng”, ông Tâm chia sẻ.

Nói về việc đích thân đi giúp dân vượt lũ, ông Lê Nho Tâm chia sẻ, khi phân công anh em đi làm nhiệm vụ trong những lúc mưa bão, bản thân ông không yên tâm nên cần phải đi trực tiếp, để có tình huống bất trắc xảy ra thì xử lý và chỉ đạo kịp thời.

“Do đó, tôi luôn luôn muốn đi cùng chiến sĩ đến những nơi khó khăn nhất, có chỉ đạo sát sao nhất, an toàn nhất cho lực lượng đi làm nhiệm vụ cũng như cho người dân được cứu giúp”, ông Tâm tâm sự.

Công Bính