Gặp gỡ đầu năm với chủ nhân Giải thưởng Nhân dân ASEAN Nguyễn Mạnh Cầm

(Dân trí) - Năm 2015 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử các nước Đông Nam Á bởi một sự kiện trong đại, ASEAN trở thành một cộng đồng gồm 3 trụ cột: Cộng đồng chính trị, an ninh; cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa, xã hội. Từ đây, ASEAN trở thành gia đình lớn, cùng nhau đoàn kết, phát triển thịnh vượng.

Gặp gỡ đầu năm với chủ nhân Giải thưởng Nhân dân ASEAN Nguyễn Mạnh Cầm - 1

Trong niềm vui chung đó, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nhà ngoại giao xuất sắc của thời kỳ đổi mới, hội nhập đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhân dân ASEAN (ASEAN People’s Award). Một giải thưởng cao quí dành cho những cá nhân của 10 quốc gia (mỗi quốc gia một nhân vật) có những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ASEAN, cho việc tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác vì sự phồn vinh của các thành viên liên hiệp và của khu vực.

Đây là sự tôn vinh hoàn toàn xứng đáng bởi không chỉ được đánh giá cao trong nước, đối với bạn bè quốc tế và nhất là trong khu vực, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm là một chính khách và nhà ngoại giao tên tuổi.

Đối với Cộng đồng ASEAN, Nguyễn Mạnh Cầm có những đóng góp rất quan trọng.

Là nhân vật chính trong tiến trình Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, từ tháng 7/1992, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã nhận lời mời của Tổ chức ASEAN (lúc này mới có 6 nước thành viên là Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Bruney) sang Manila dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN định kỳ với tư cách quan sát viên. Tại đây, ông đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á, mở đầu cho lộ trình Việt Nam tham gia ASEAN.

Tháng 7/1995, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã thay mặt Chính phủ đọc diễn văn tại lễ trọng thể kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 7 của tổ chức liên kết khu vực. Ngay sau bài phát biểu mang ý nghĩa lịch sử này, Việt Nam đã trở thành thành viên của AFTA (Tổ chức liên kết kinh tế ASEAN). Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam hội nhập khu vực, mở đầu cho quá trình hội nhập quốc tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Sau khi rời cương vị công tác, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tiếp tục tích cực tham gia vào các công tác của ASEAN, trong đó nổi bật ở vai trò Đại diện Việt Nam tại nhóm “Những nhân vật nổi tiếng - (EPG)” soạn thảo Hiến chương ASEAN. Đây là bước tiền đề để tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN vừa qua.

Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 75, ông Nguyễn Mạnh Cầm được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Hơn 11 năm gắn bó với công tác khuyến học khuyến tài, trong ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Thời gian làm việc của ông gần như kín 7 ngày trong tuần, thậm chí cả khi đau ốm trong bệnh viện, ông vẫn không rời xa công việc.

Khi sức khỏe cho phép, ông dành 3 ngày/tuần làm việc ở Hội Khuyến học, 3 ngày nghiên cứu tài liệu và tham gia ý kiến về lĩnh vực ngoại giao mỗi khi được Chính phủ yêu cầu.

Giờ đây, khi đã ở tuổi 87, dù đã trải qua 2 nhiệm kỳ với hơn 11 năm (nhiệm kỳ 2010 – 2016 kéo dài hơn một năm cho phù hợp với tiến trình của một số tổ chức khác) làm Chủ tịch Hội nhưng nhiều hội viên Hội Khuyến học Việt Nam vẫn rất mong muốn ông tiếp tục ở lại công tác dù ông đã nhiều lần đề xuất xin nghỉ để tập trung cho việc ghi chép lại những kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao.

Thực ra thì việc nhiều người mong muốn ông ở lại có lý của họ

Thứ nhất, ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và đã từng ở Chiến khu Việt Bắc. Ông từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, tức là một cán bộ cao cấp của Đảng và là một chính khách có tên tuổi và vị thế không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế.

Thứ hai, ông là một trí thức trưởng thành trong kháng chiến và đạt thành tựu lớn trong thời đổi mới, hội nhập. Việc một chính khách trí thức làm Chủ tịch Hội vừa đúng người, đúng việc lại còn là niềm tự hào của những người làm khuyến học. Có một chi tiết nhỏ, nhưng không thể không nhắc đến, ông chính là dịch giả của cuốn tiểu thuyết “Số phận một con người” của nhà văn Liên Xô M.Solokhov, từng được Nhà thơ Bằng Việt, một chuyên gia dịch văn học Nga đánh giá “nhiều đoạn hay hơn cả nguyên bản”.

Về cá nhân, Nguyễn Mạnh Cầm và gia đình ông sống thanh liêm, giản dị và không có “điều tiếng”. Cá nhân ông là một người chính trực dễ gần. Tính tình thẳng thắn của người xứ Nghệ, sự điềm đạm của một nhà ngoại giao cộng với sự lịch lãm của một trí thức đã tạo dựng nên một tính cách Nguyễn Mạnh Cầm bao dung, vị tha và nghiêm khắc.

Cách đây mấy hôm, khi tâm sự với tôi, ông bảo:

+ Mình già rồi, cậu ạ. Cái chân mấy bữa trước lại giở chứng, sưng vù lên phải nằm viện mất mấy tuần. Già rồi, quỹ thời gian còn ít lắm mà công việc thì nhiều, muốn có thời gian viết lại những kinh nghiệm trong công tác ngoại giao để nếu anh em đồng nghiệp có khi nào cần thì có thể tham khảo.

- Bác có viết hồi ký không? Tôi hỏi.

+ Không! Không! Không! Mình không viết hồi ký, cậu ạ.

- Sao vậy bác?

+ Viết hồi ký là việc của các cụ khai quốc công thần, có những công lao và thành tựu to lớn với đất nước. Với lại, viết hồi ký là mình viết về mình, tránh sao khỏi chủ quan, phiến diện…

Nguyễn Mạnh Cầm là vậy, ông không bao giờ muốn “nổi trội” mà dường như chỉ muốn “ẩn mình” nên với ông, có 10 chỉ nói 5-6. Hình như ông muốn để người đời đánh giá mình cho khách quan, trung thực. Ông sợ mình viết lỡ sa vào cái công thức “8 chữ vàng” đang khá thịnh hành trong không ít cuốn hồi ký gần đây, đó là: “Tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh”…

Bùi Hoàng Tám