1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Gần 30 tấn cá bị nhiễm phenol được xử lý ra sao?

(Dân trí) - Liên quan đến số cá bị nhiễm phenol được cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện tại kho đông lạnh của người dân ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, dư luận vẫn dành sự quan tâm, theo dõi về việc cơ quan chức năng sẽ xử lý số cá này như thế nào?

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 10/6 Sở Y tế Quảng Trị gửi thông báo đến UBND tỉnh này về việc phát hiện lô cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết của hộ bà Lê Thị Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) có chứa hàm lượng Phenol 0,037mg/kg, đề nghị có biện pháp xử lý. Sau đó, các ngành chức năng địa phương cũng đã tiến hành lấy thêm mẫu ở lô cá được xác định nhiễm độc để chờ kiểm tra, xác định cụ thể hàm lượng chất độc có trong cá. Qúa trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã niêm phong 20 tấn cá nục tại hộ của bà Thuộc.

Số cá trong kho lạnh mà bà Thuộc thu mua ngay sau thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết được xác định nhiễm độc
Số cá trong kho lạnh mà bà Thuộc thu mua ngay sau thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết được xác định nhiễm độc

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng thì được biết, số cá trên vẫn được cơ quan chức năng niêm phong. Địa phương chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn về việc xử lý 20 tấn cá nục nói trên.

Ông Phú thông tin, ngoài 20 tấn cá của hộ gia đình bà Thuộc, ngày 13/6, đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị (ATVSTP) cũng tiến hành lấy thêm mẫu ở 3 cơ sở đông lạnh khác trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, mẫu cá đại diện ở 2 trong 3 cơ sở đều đạt yêu cầu, hàm lượng các chất đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng mẫu đại diện cho 7 tấn cá tại cơ sở đông lạnh T.B. (thị trấn Cửa Tùng), được xác định có chứa hàm lượng phenol và Caclimi. Chủ hộ nói rằng số cá trên được họ thu mua ngay sau thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết.

Ông Phú nói: UBND thị trấn cũng nhận được văn bản đề nghị chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc yêu cầu hộ dân nói trên ngừng lưu thông 7 tấn cá tại kho đông lạnh đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị kiểm tra, lấy mẫu niêm phong để chờ xử lý.

Tuy vậy, đến nay đã gần 2 tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được phương án xử lý đối với tổng số lượng 27 tấn cá ở 2 kho lạnh này. Trong khi đó, người dân vẫn mang tâm lý lo ngại việc sử dụng cá có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Cơ quan chức năng lấy mẫu cá tại kho lạnh đi kiểm tra và tiến hành niêm phong
Cơ quan chức năng lấy mẫu cá tại kho lạnh đi kiểm tra và tiến hành niêm phong

Ông Nguyễn Văn Phú cho hay, việc kéo dài thời gian và chậm xử lý như vậy sẽ gây thiệt hại kinh tế cho bà con, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho những hộ này. “Người dân cũng có phản ánh, yêu cầu cơ quan chuyên môn sớm xác minh hàm lượng các chất trong cá có an toàn hay không để thông tin cho người dân biết. Hơn nữa, thủy sản để lâu trong kho sẽ làm tăng chí phí bảo quản, trong khi chất lượng lại suy giảm, gây thiệt hại cho bà con”.

Theo thống kê của chính quyền thị trấn Cửa Tùng thì hiện vẫn có hàng chục hộ dân có trữ lượng nhỏ hơn khoảng vài trăm kg, nhưng chưa được kiểm nghiệm để xác định có an toàn hay không.

Hộ dân T.B. (thị trấn Cửa Tùng) cho biết, gia đình tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn sớm có biện pháp xử lý số cá đã niêm phong, giải phóng kho lạnh để còn làm ăn, mua bán. Để số cá này như vậy không chỉ tăng chi phí bảo quản, hao tốn tiền điện mà gia đình không biết để hải sản vào đâu cả. Trong khi kho chứa trống rỗng mà hàng hóa phải để bên ngoài.

Theo khảo sát của PV Dân trí, thời gian gần đây dù bà con ngư dân các vùng đã ra khơi, song giá hải sản vẫn ở mức thấp. Gía cá nục chỉ đạt 10.000 đồng/kg, cá dũa từ 25.000-30.000 đồng/kg… Việc tiêu thụ hải sản thời gian này vẫn khá chậm, đa số các chợ trên địa bàn chỉ bán số lượng rất nhỏ.

Đăng Đức