1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Được phép đặt tên dài quá 25 chữ cái nhưng “cấm” tên phản cảm

(Dân trí) - Điều chỉnh mới nhất trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là bỏ quy định khống chế việc đặt tên quá 25 chữ cái. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường vẫn đề nghị giữ quy định “cấm” đặt tên con kiểu lai căng, phản cảm, tréo ngoe…

Sáng 18/8, dự thảo Bộ luật dân sự một lần nữa được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 40 của UB Thường vụ Quốc hội. Một quy định vẫn gây chú ý là về quyền đặt tên (Điều 26) trong nhóm quyền nhân thân của cá nhân thể hiện trong dự thảo luật.

Lần trình Thường vụ trước, cơ quan soạn thảo đưa vào dự luật quy định tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái.

Quy định này sau đó nhận nhiều phản biện trái chiều, yêu cầu đưa ra lý lẽ thuyết phục cho việc định ra giới hạn 25 chữ cái.

ha-hung-cuong-1-4499f
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết không thiếu người đặt tên kiểu phản cảm, thể hiện sự hậm hực với chính sách dân số.

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật hôm nay, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, cơ quan thẩm tra dự án luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý khoản 3 Điều 26 theo hướng chỉ quy định giới hạn về đặt tên đối với người có quốc tịch Việt Nam mà không áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

Lý lẽ đưa ra là, người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam về mặt pháp lý vẫn chưa xác lập mối quan hệ Nhà nước Việt Nam và công dân và do đó không cần áp dụng giới hạn này. Đồng thời, bỏ quy định “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái” do chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp. Một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được thực hiện thông qua phương pháp tuyên truyền, giáo dục.

Ngoài ra, ông Lý cho biết, nhiều ý kiến khác cho rằng, tại khoản 2 Điều 26 quy định trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con được xác định theo họ của mẹ là quá cứng nhắc và đề nghị nên quy định theo hướng họ của con do người mẹ quyết định. Nội dung này, theo đó, cũng được UB Pháp luật cũng tán thành các góp ý, chỉnh lại quy định này.

Cơ quan thẩm tra dự án luật cũng đề nghị tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ lại các nội dung của bộ luật hiện hành về các trường hợp được thay đổi tên, chữ đệm.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng cách đặt tên trên thực tế hiện nay hết sức phức tạp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn chiếu, luật của các nước cũng quy định rất chặt chẽ về việc đặt tên này. Đồng ý bỏ quy định đặt tên không quá 25 chữ cái nhưng Bộ trưởng Tư pháp vẫn cho rằng, không thể để việc đặt tên kiểu “tréo ngoe”.

“Không để có chuyện người Kinh đặt tên thành người dân tộc thiểu số, đặt tên lai tên nước ngoài, thậm chí có tên biểu hiện sự hậm hực với chính sách dân số. Có tên đặt rất phản cảm. Nếu không có sự can thiệp, sẽ có một xu hướng đặt tên con gắn với tên Hàn, tên Tây… từ tên ca sĩ tới cầu thủ… rất không phù hợp” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Bộ trưởng Tư pháp đề nghị cần có quy định nhấn mạnh, đặt tên phải phù hợp với tập quán của dân tộc, địa phương. Luật nên cho phép để khi đăng ký, nếu tên không phù hợp với tập quán thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thể hướng dẫn, giải thích cho người dân.

Vợ/chồng nếu được chuyển giới thì cuộc hôn nhân sẽ thành đồng giới?

Một vấn đề khác tiếp tục được đề cập là về chuyển đổi giới tính (Điều 36). Theo đó, dự thảo luật thể hiện theo hướng “nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, việc khẳng định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính cần được cân nhắc kỹ, bởi có thể xâm phạm đến quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Hơn nữa, một mặt vừa quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định cho phép cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác là mâu thuẫn nhau.

Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên UB Pháp luật cho rằng quyền chuyển đổi giới tính là quyền con người, cần phải được ghi nhận trong luật. Do việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội....

Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, UB pháp luật đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định đây là quyền con người, quyền này sẽ thực hiện theo quy định của luật. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này bằng một văn bản luật.

Phát biểu thêm về nội dung này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh bày tỏ quan điểm không đồng ý cho chuyển đổi giới tính. Ông Khánh cảnh báo, công nhận quyền này trong luật dân sự sẽ gây mâu thuẫn với luật Hôn nhân và Gia đình đã khẳng định nhà nước không công nhận hôn nhân đồng tính. Ông Khánh nêu ví dụ, cho phép một người được chuyển giới thì xử lý thế nào khi một cặp vợ chồng rõ ràng đang khác giới mà một người đi chuyển đổi giới tính về thành ra gia đình đó, hôn nhân của cặp đôi đó lại thành ra đồng tính?

P.Thảo