1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Được công nhận tài năng, nhiều cán bộ không so kè lương nữa”

(Dân trí) - “Tôi biết nhiều người làm việc không chỉ vì thu nhập, cơ bản là tài năng, tâm huyết được thừa nhận. Được như vậy, họ sẽ không so kè lương trong hay ngoài nhà nước” - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói về tính khả thi của Đề án thi tuyển vụ trưởng.

Tham nhũng trong công tác cán bộ đã là một vấn nạn mà hiện chúng ta đang phải tính nhiều biện pháp để phòng chống. Đề án thi tuyển công khai cán bộ thuộc hàng vụ trưởng ở Bộ Tư pháp có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh này, thưa Bộ trưởng?

Nói cho đúng, công tác cán bộ ở ta hiện cũng đã đi vào nề nếp và được thực hiện theo quy hoạch. Quy hoạch thường xuyên được rà soát trên cơ sở đánh giá sát tình hình, để giao việc cho rõ, tồn tại hạn chế cũng phải nêu rõ. Trong rà soát thì cũng đã chuyện đưa người này ra, đưa người kia vào quy hoạch.

Ỏ bộ tôi, việc quy hoach cán bộ được làm nề nếp. Đến nay phần lớn những người được bổ nhiệm cũng đều theo quy hoạch cả.

Tất nhiên công tác nhân sự với công tác quy hoạch cũng khác nhau bởi không phải tất cả 100% nhân sự quy hoạch thì đều được bổ nhiệm. Bất cập là công tác quy hoạch nằm khép kín trong đơn vị hoặc trong ngành mà nhân tài của đất nước luôn rất nhiều.

Cùng với tiến trình xã hội hóa hoạt động tư pháp, lực lượng những người hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng đông, như các luật sư, công chứng viên.
“Khi được công nhận tài năng, nhiều cán bộ không so kè lương nữa”
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: "Thi tuyển là cơ hội khắc phục hạn chế của việc quy hoạch cán bộ" (ảnh: Việt Hưng).

Nhân tài đứng ngoài phạm vi đối tượng công chức viên chức đang ngày càng phát triển, nên đề án thí điểm thi tuyển cán bộ quản lý là bước đột phá, thêm một kênh nữa ngoài quy hoạch để lựa chọn người phù hợp về năng lực lẫn phẩm chất, vừa có thực tiễn vừa có năng lực chuyên môn.

Trong môi trường nhà nước, nhiều khi bận rộn vì sự vụ hàng ngày, không được rèn luyện, thiếu am hiểu thực tiễn nên chúng tôi muốn thu hút thêm những người am hiểu nghề, nhất là trong lĩnh vực tư pháp.

Có ý kiến cho rằng thi tuyển chỉ là một bước. Có nhiều yếu tố khác mới phản ánh thực chất năng lực cán bộ, như hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra cụ thể?

Việc thi tuyển mới đang là đề án để thí điểm thôi. Tới đây chúng tôi sẽ xem xét phê duyệt để có thể thực hiện luôn trong năm 2013. Có thể thi tuyển ở một vài vị trí rồi rút kinh nghiệm xong mới triển khai tiếp.

Cũng xin nhắc lại là người trong quy hoạch hay ngoài quy hoạch đều phải thi tuyển. Đây cũng là cơ hội để khắc phục những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch hiện nay.

Nhưng cũng có thể lập luận, tổ chứ thi như vậy, chấm điểm chuyên môn nghiệp vụ cao hơn thì vẫn là dành cơ hội nhiều hơn cho những người trong quy hoạch?

Đương nhiên khi đã là cán bộ trong quy hoạch thì họ đã từng làm việc ở đơn vị, đã từng rèn luyện trong môi trường cụ thể đó, đã có sự cố gắng phấn đấu để trở thành cán bộ quy hoạch thì họ có lợi thế hơn. Song không phải ai cũng tận dụng được lợi thế này. Mà nhiều khi người ở ngoài quy hoạch khi thi tuyển lại cũng có lợi thế khác và họ tận dụng được cơ hội. Cái chính là phải thành lập một hội đồng thi tuyển để sao cho bảo đảm tính công khai, công bằng.

Một vấn đề đặt ra về tính khả thi của đề án. Có người đặt câu hỏi, liệu mức lương công chức hiện tại có đủ lôi kéo những người làm việc bên ngoài Bộ tham gia thi tuyển vì họ thường là những người đã có “tên tuổi” trong lĩnh vực tư pháp và mức thu nhập cũng rất cao?

Tôi biết nhiều người làm việc không phải chỉ vì thu nhập mà cơ bản là tài năng, tâm huyết được thừa nhận. Được như vậy thì họ sẽ không so kè giữa lương khu vực trong hay ngoài nhà nước. Và hiện có rất nhiều người trẻ như vậy.

Được biết, việc thi tuyển cán bộ đã được nhiều địa phương thí điểm như Hải Phòng, Đà Nẵng… Có những điểm sáng nào có thể tham khảo, áp dụng cũng như bất cập nào cần tránh khi đề án lần đầu được triển khai ở cấp Bộ, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi đã yêu cầu tham khảo việc triển khai ở các nơi như Đà Nẵng, Hải Phòng. Tôi biết chuyện một người công tác trong Sở Tư pháp Hải Phòng, không thuộc đối tượng quy hoạch nhưng đã được bổ nhiệm Trưởng phòng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Vậy là một người không thuộc diện quy hoạch đã được bổ nhiệm. Và năng lực của cô ấy đến giờ được đánh giá rất tốt, là người gác cửa một bộ phận quan trọng trong Sở.

Đà Nẵng cũng có nhiều kinh nghiệm đáng học hỏi.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi chỉ đang nhìn thấy các nơi đã thí điểm đều tốt.

Việc thi tuyển cán bộ có xung đột gì với quy trình xem xét bổ nhiệm cán bộ hiện tại không thưa ông?

Không xung đột gì vì chủ trương của Đảng đã quán triệt như vậy rồi, sắp tới còn thi tuyển cạnh tranh cơ mà. Ngay cả Ban tổ chức TƯ cũng đang chủ trì đề án về thi tuyển cạnh tranh lãnh đạo.

Theo ông, giữa thi tuyển cạnh tranh và cách quy hoạch truyền thống lâu nay sẽ bổ khuyết cho nhau thế nào?

Tạo ra một cơ hội để khắc phục những điểm chưa chuẩn trong quy hoạch cán bộ. Vì nhiều khi làm quy hoạch lại chỉ khép kín trong nội bộ cơ quan đơn vị thôi. Thi tuyển sẽ kêu gọi thêm được những người tài.

Ông thấy xu hướng này có nên mở rộng, ví dụ không chỉ dừng ở mức Vụ trưởng mà cả Cục trưởng, Thứ trưởng có thể thi tuyển?

Việc ấy Đảng cũng có chủ trương rồi cho nên ở nhiều nơi cũng sẽ làm. Sau khi đề án của Bộ Tư pháp được phê duyệt, chúng tôi sẽ công khai.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo