1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dùng thiết bị mới nhất để tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí sáng 5/1, ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã mang thiết bị mới nhất do Hoa Kỳ mới viện trợ để tham gia tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất tại Bắc Kạn.

Cũng theo ông Tấn, ngay sau khi Sở Khoa học và Công Nghệ Bắc Kạn báo cáo vụ việc, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cử người trực tiếp lên Bắc Kạn phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nguồn phóng xạ bị mất.

 

Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân dùng thiết bị mới nhất do Hoa kỳ viện trợ để tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất ở Bắc Kạn (Ảnh minh họa)
Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân dùng thiết bị mới nhất do Hoa kỳ viện trợ để tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất ở Bắc Kạn (Ảnh minh họa)

 

"Nguồn phóng xạ bị mất rất nhỏ. Theo phân loại thì nguồn Cs-137 thuộc nhóm 5 nghĩa là chỉ số hoạt độ riêng dưới 0,01 nhưng ở đây là nhỏ dưới 0,002. Chính vì vậy mức độ nguy hiểm với con người là không có" - Ông Tấn nói.

Ông Tấn cũng cho hay, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã thành lập tổ công tác do Phó chủ tịch tỉnh chỉ đạo các hoạt động tìm kiếm.

Trước câu hỏi về việc Bộ Khoa học và Công nghệ từng khẳng định sẽ tiến hành gắn chip đối với các nguồn phóng xạ, ông Tấn cho biết, việc gắn chíp chỉ tiến hành đối với các nguồn phóng xạ lớn, mở ra là gây sát thương cho con người ngay. Đối với các nguồn nhỏ đang hoạt động ở các nhà máy thì chúng ta chỉ tăng cường công tác quản lý. Nếu nguồn phóng xạ nào cũng gắn chíp thì con số lên đến cả nghìn, điều này là không cần thiết bởi trên thế giới chẳng có nước nào làm như vậy.

Trước đó, ngày 15/12/2015, nguồn phóng xạ Cs - 137 trong Nhà máy Xi măng Bắc Kạn đóng trên địa bàn phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn bị mất trong quá trình lưu giữ tại kho. Nguồn phóng xạ này được sử dụng để kiểm tra mức xả clinker trong công nghệ xi măng lò đứng.

Nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ (kích thước đường kính khoảng 10 x 20 cm, màu ghi xám, nặng khoảng 03-04 kg). Bình chì có tác dụng che chắn bức xạ thoát ra ngoài môi trường.

Nguồn phóng xạ như thế nào thì sẽ nguy hiểm?

Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cho hay, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xây dựng hướng dẫn phân loại nguồn phóng xạ theo 5 mức khác nhau theo thứ tự mức độ nguy hại giảm dần, cao nhất là loại 1 và thấp nhất là loại 5. Việc phân loại này dựa trên tỷ số A/D, trong đó A là hoạt độ tổng cộng của nguồn phóng xạ và D là hoạt độ đặc trưng của hạt nhân dùng làm nguồn phóng xạ.

Cụ thể cách thức phân loại các nguồn phóng xạ theo mức độ nguy hiểm:

Dùng thiết bị mới nhất để tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất - 2

Mức độ nguy hại của nguồn phóng xạ như đã nói ở trên là tùy thuộc vào khoảng cách, thời gian tiếp xúc và cách thức mà các vật liệu làm nguồn phóng xạ này bị phát tán vào môi trường.

Nguồn loại I: Nguồn loại này cực kỳ nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong vài phút. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người nếu tiếp xúc trong khoảng vài phút đến một giờ.

Nguồn loại II: Nguồn loại này rất nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian ngắn từ vài phút đến vài giờ. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người nếu tiếp xúc trong khoảng vài giờ đến vài ngày.

Nguồn loại III: Nguồn loại này cũng nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian nhiều giờ. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người, tuy nhiên với xác suất rất thấp, nếu tiếp xúc trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần.

Nguồn loại IV: Nguồn phóng lại loại này có xác suất thấp gây nguy hiểm cho con người. Xác suất thấp là nguồn phóng xạ loại này có thể gây tổn thương lâu dài cho con người. Tuy nhiên, nguồn phóng xạ loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh thì cũng có thể, mặc dù xác suất thấp, gây tổn thương tạm thời cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian nhiều giờ hay ở gần nó trong nhiều tuần.

Nguồn loại V: Phần lớn là không nguy hiểm cho con người. Không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ loại này.

Nguyễn Hùng
(Email: hungns@dantri.com.vn )