1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dùng mọi biện pháp có thể để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông!

(Dân trí) - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong vai trò đại biểu Quốc hội, khẳng định sự chia sẻ với những lo lắng, sốt ruột của cử tri, đại biểu về tình hình Biển Đông…

Sau sự việc va chạm nghiêm trọng trên Biển Đông giữa tàu cá Việt Nam và tàu Trung Quốc vừa qua (tàu Trung Quốc truy kích, suýt đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa), Bộ Ngoại giao đã ra công hàm phản đối. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng có những luận điệu phản bác ngang ngược. Những động thái ngoại giao cần thiết tiếp theo để giải quyết việc này?

Ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rất rõ, vùng đánh cá đó là ngư trường của Việt Nam. Việc Trung Quốc cản trở việc đánh cá của ngư dân ta là vi phạm các nguyên tắc.

Từ sau khi Quốc họi thông qua luật Biển năm ngoái, các va chạm trên biển với Trung Quốc ngày càng gia tăng, mức độ nghiêm trọng cũng tăng dần và thái độ từ phía Trung Quốc không hề giảm tính chất ngang ngược. Trong tương quan đó, nhiều đại biểu cho rằng cách phản ứng của ta vẫn chưa… tới tầm. Ông nghĩ gì về nhận xét này?

Nguyên tắc của ta là bảo vệ ngư dân. Những hành vi cản trở ngư dân như vậy là rất nghiêm trọng. Khi sự việc xảy ra, chúng ta đã phản đối. Còn trên ngư trường, nếu có những vi phạm vào vùng biển của ta thì các lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm bảo vệ.
 
Dùng mọi biện pháp có thể để bảo vệ Biển Đông!
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: "Gần đây tình hình Biển Đông có tăng thêm căng thẳng" (ảnh: Việt Hưng).

Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu sau phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội vừa qua cho thấy, chưa kỳ họp nào các ý kiến lại hướng về Biển Đông nhiều như lần này. Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ có thái độ, giải pháp quyết đoán hơn. Điều đó cho thấy Quốc hội cũng rất “nóng ruột” về vấn đề Biển Đông?

Đúng là gần đây tình hình Biển Đông có những căng thẳng tăng thêm. Chúng ta đã thông qua luật Biển năm 2012 và vẫn đang thực thi luật Biển. Đối với các tranh chấp trên Biển Đông, lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước luật Biển. Đó là các chính sách ngoại giao. Còn việc ngư dân có quyền đánh cá trên các vùng biển của Việt Nam, nhà nước sẽ tiếp tục bảo vệ hoạt động của ngư dân một cách hợp pháp.

Các biện pháp ngoại giao đã được kiên trì áp dụng lâu nay song hiệu quả mang lại vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và người dân. Trong khi đó, động thái của Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Không ít ý kiến đã đặt vấn đề sao Việt Nam không tính đến các biện pháp mạnh mẽ hơn như khởi kiện, đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, ra Liên hợp quốc như một số nước bạn đã làm?

Ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn là biện pháp được tất cả các nước sử dụng. Những sự việc tranh chấp trên biển không chỉ có ngư dân Việt Nam phải đối mặt mà ngư dân các nước khác trong khu vực cũng vậy. Việt Nam dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình có thể để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền.

Tạm “quên” vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, đặt vị trí ở một đại biểu Quốc hội bình thường, ông cảm nhận thế nào về tình hình Biển Đông trước những quan ngại sâu sắc của cử tri và các đại biểu khác?

Vấn đề Biển Đông luôn được báo cáo ở các kỳ họp Quốc hội và đã là đại biểu Quốc hội thì phải lo nghĩ tất cả các vấn đề của đất nước, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 

Thủ tướng bàn về Biển Đông tại Shangri-La tới

Về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham gia, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đã tham gia diễn đàn này từ nhiều năm. Năm nay có Thủ tướng – là cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam từng tham gia đối thoại.

Thủ tướng sẽ có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc diễn đàn, liên quan đến vấn đề đường lối chính sách của Việt Nam, với tư cách diễn giả chính. Thông điệp của bài phát biểu, theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, tương ứng với chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực - sẽ bàn đến tất cả các vấn đề liên quan, trong đó chắc chắn có vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao “gạt bỏ” nghi ngại nội dung trao đổi tại Shangri-La kỳ này có thể bị tác động, chi phối khi thời điểm diễn ra sát với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới. Ông Minh lý giải, Shangri-La là diễn đàn thường niên, diễn ra bình thường theo kế hoạch, không bị tác động bởi các sự kiện khác.

P.Thảo (ghi)