Dung dị mà sâu lắng - Ấn tượng từ Chương trình giao lưu “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng"

(Dân trí) - “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng" là chủ đề của Chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 19/8 tại Hà Nội.

Dung dị mà sâu lắng - Ấn tượng từ Chương trình giao lưu “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao bằng khen cho điển hình đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ảnh: Dangcongsan.vn

Thông qua những phóng sự, những chia sẻ dung dị nhưng sâu lắng và tràn cảm xúc, các nhân vật của chương trình cùng khán giả ôn lại những câu chuyện của Người, để nói về những câu chuyện của thời đại hôm nay. Nhân vật của chương trình - những con người của thời đại mới trên nhiều lĩnh vực, những người Việt Nam ưu tú luôn không ngừng học tập, lao động và cống hiến theo tấm gương Hồ Chí Minh đã có hành trình đến với những điểm mang dấu ấn của Bác và trở về trên sân khấu của cuộc giao lưu để cùng chia sẻ về chuyến đi, những trải nghiệm họ đã có, những việc họ đã làm và bài học họ rút ra từ những trải nghiệm vô cùng đáng quý.

Yêu nước, thương dân là lẽ sống cuộc đời

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo là người đã dành đến hơn 30 năm cuộc đời mình nghiên cứu, sưu tầm, chia sẻ những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tâm sự những điều tự đáy lòng mình: "Nói đến Bác Hồ, điều sâu thẳm trong trái tim, tâm hồn mỗi người Việt Nam là tình cảm yêu nước thương dân, cả cuộc đời Bác chỉ vì nước vì dân mà tranh đấu hi sinh. Tôi cảm nhận sâu sắc tên Bác đã là biểu tượng cao quý của điều này… Bác của chúng ta là nguyên thủ quốc gia với tên gọi Nguyễn Ái Dân. Như vậy “yêu nước, thương dân” là cả một lẽ sống của đời Người.”

Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, gần với dân gần như một nhu cầu sống, nhu cầu văn hóa của Bác mà mỗi người chúng ta cần noi theo. Chỉ riêng 10 năm cuối đời - khi Bác đã 70 tuổi, đến lúc gần 80 tuổi Bác ra đi mãi mãi, Bác đã có khoảng 700 lần đến với nhân dân, với cơ sở, đặc biệt là nông dân. Tại giao lưu, Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã kể lại một câu chuyện về tình cảm yêu nước, thương dân của Bác, nhất là tấm lòng suốt đời hi sinh vì dân của Bác: câu chuyện Bác đi chúc Tết đồng bào.

Ở Hà Nội, vào dịp Tết, Bác thường căn dặn các đồng chí lãnh đạo Thành ủy bố trí cho Bác đi thăm hai đối tượng đặc biệt trong đêm giao thừa hay sáng mùng 1 Tết. Đối tượng thứ nhất là các trí thức danh tiếng vì Bác rất tôn trọng người hiền tài, như Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Hồ Đắc Di, Bác sĩ Trần Duy Hưng, Giáo sư Trần Hữu Tước… Đối tượng thứ hai Bác muốn đến thăm đều khiến mỗi người chúng ta đặc biệt cảm động: Bác nói những ai nghèo khổ nhất, cuộc sống vất vả, gian nan, bất hạnh nhất thì Bác đến thăm.

Trong những dịp đi thăm ấy, có lần Bác đã chọn một gia đình nghèo ở ngõ chợ  lúc bấy giờ, đó là gia đình của người phụ nữ góa chồng có 5 con nhỏ, tới lúc giao thừa trên ban thờ vẫn lạnh ngắt. Khi Bác đến, người mẹ vất vả này còn đi gánh nước, bổ củi để kiếm mấy đồng mua gạo nuôi con. Nhìn quần áo các cháu nhỏ trong nhà không được tươm tất khiến Bác rất xót xa, Bác chia kẹo cho các cháu mà ứa nước mắt. Khi người phụ nữ gánh nước về nhà, không ngờ Bác đến, cảm động quá đánh rơi thùng nước, ôm chầm lấy Bác mà khóc: “Những người như cháu mà Bác đến sao?” Bác đợi người phụ nữ đỡ xúc động, nói một câu bằng trái tim, tấm lòng mình: “Những người như cháu mà Bác không đến thì Bác còn đến với ai nữa?”. Câu chuyện này cách đây gần 80 năm, nhưng khắc ghi đối với Giáo sư Hoàng Chí Bảo về người lãnh tụ đã dành cả cuộc đời vì dân vì nước. “Ngay cả trên giường bệnh, Bác cũng chỉ khóc thôi, Bác nói không thể bỏ dân mà đi được. Đây là câu nói từ trái tim Bác và đi vào cuộc sống của chúng ta.”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

Truyền cảm hứng cuộc đời về lòng nhân ái Việt Nam

79 tuổi, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, tác giả phong trào “Nghìn việc tốt” phát động 53 năm về trước, đó là “Anh phụ trách thiếu nhi mang khăn quàng đỏ Bác trao - màu cờ cách mạng thấm vào trong tim”, người cựu đội viên Đội thiếu niên du kích Đình Bảng - ông Nguyễn Đức Thìn.

Vào ngày 24/3/1963, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn cùng các học trò đi trồng cây. “Tổng kết thấy việc trồng cây tốt quá và thấy cần làm nhiều việc tốt nữa cho quê hương, đất nước, tôi đã phát động ở địa phương phong trào “Làm nghìn việc tốt”. Sau đó, phong trào tiếp tục lan tỏa ra thiếu nhi miền Bắc, rồi thiếu nhi miền Nam. “Nghìn việc tốt” đã nở hoa, kết quả”, ông Nguyễn Đức Thìn chia sẻ.

Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn càng hạnh phúc hơn khi ngày mồng 4 Tết Đinh Mùi năm 1967, ngôi trường thân yêu nơi ông công tác được đón Bác Hồ về thăm và phát biểu tại sân trường Tam Sơn (xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) - nơi ông là Phó Bí thư Chi bộ, Tổng phụ trách đội, Bí thư Chi đoàn, giáo viên dạy môn Văn - Lịch sử. “Bác khen các đồng chí làm nghìn việc tốt, thế là rất tốt. Cần làm nghìn việc tốt góp sức cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và từ đó sáng kiến nở như hoa”, ông nhớ lại. Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn cho biết, ông muốn khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” để thiếu nhi Việt Nam luôn cố gắng làm theo lời Bác Hồ dặn, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ.

Là người khuyết tật, đôi bàn tay đã hoàn toàn toàn không cảm giác, không còn xòe ra được, ông Thìn vẫn kẹp bút vào tay gõ máy tính và tiếp tục sáng tác thơ, văn, viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương. Giờ đây, ông còn là người viết sử của quê hương, phụ trách hướng dẫn viên Đền Đô, Di tích quốc gia đặc biệt của Tổ quốc, nơi Bác Hồ đã về thăm lần đầu ngay từ ngày 13/9/1945.

“Những người khác có sức khỏe làm ra đồng tiền giúp đồng bào, đồng chí, tôi khuyết tật, mất cảm giác trên da thịt nhưng cảm hứng cuộc đời vẫn sâu mãi trong tim. Mong sống đẹp, tôi là thi sĩ, là anh hùng chiến thắng chính tôi”. Vì vậy, ngày ngày ông vẫn sáng tạo, trên máy tính của mình ông phải kẹp bút vào tay, đánh từng con chữ tích cho cả cuộc đời, để thêm thương quý cuộc đời. “Theo nhịp tim gõ máy, những con chữ hiện ra/Rất gần và rất xa, là bài ca cuộc sống”. Tôi viết về những con người ở xung quanh tôi, những gì thân thương nhất, kể cả những tia nắng, những hạt mưa, làm cho đất quê tôi phát triển. Tôi thích như thế để truyền đến cho mọi người cảm hứng đời về lòng nhân ái Việt Nam”, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn bộc bạch.

Lan tỏa niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc

Dung dị mà sâu lắng - Ấn tượng từ Chương trình giao lưu “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng - 2

Anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học Funix kể về 2 lần đặc biệt được “gặp" Bác Hồ - Ảnh: Dangcongsan.vn

Tại buổi giao lưu, khán giả cũng đã được nghe những chia sẻ của họa sỹ George Burchett, con trai nhà báo Australia nổi tiếng Wilfred Burchett. Cha của ông là người đã có mặt tại Việt Nam giai đoạn ác liệt nhất, mang tới thế giới những hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Và rồi ông bị chính đất nước mình từ chối. Họa sỹ George Burchett cho biết, qua những lời người cha của ông đã kể, ông ấn tượng về con người, về những câu chuyện lịch sử, những bài học về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách sống của Người. “Tôi là người đã được sinh ra tại Hà Nội và chỉ vài ngày sau khi tôi sinh ra thì Bác Hồ đã từ Điện Biên Phủ trở về đây. Tôi là một người hâm mộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bài thơ của ông, sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp sáng tác.”

Với họa sỹ George Burchett, Tập thơ “Nhật ký trong tù” là tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông ấn tượng sâu sắc nhất. Tập thơ được sáng tác trong hoàn cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bị nhốt trong tù với hoàn cảnh sống rất thiếu thốn, khó khăn và bị chuyển từ nơi này sang nơi khác rất nhiều lần. Tuy vậy, tập thơ vẫn toát lên một tinh thần rất lạc quan, yêu đời và tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Họa sỹ George Burchett kể về một câu chuyện giữa cha ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi cha tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 3/1954 tại Thái Nguyên, ông đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng Điện Biên Phủ là một nơi như thế nào? Bằng một cách rất đơn giản và đầy hình ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngửa chiếc mũ của mình ra và chỉ cho cha tôi rằng: Đây chính là Điện Biên Phủ, chúng ta có thể hình dung nó như thế này, đó là một vùng thung lũng, chúng ta đang ở nơi này, còn xung quanh nơi này đang được bao bọc bởi quân đội Pháp…” Cách giải thích dung dị, dễ hiểu và đầy hình ảnh đã giúp nhà báo Wilfred Burchett nhanh chóng có được cái nhìn toàn cảnh và hiểu rõ hơn về Điện Biên Phủ. Dù đang ở ngay trong những năm tháng chiến tranh hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở Người đều tỏa ra niềm tin vào chiến thắng và sự tất thắng của dân tộc Việt Nam. Chính những điều giản dị mà lớn lao ấy đã làm nên sự ngưỡng mộ, tình yêu của mọi người đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo; Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn; họa sỹ George Burchett, chương trình còn có sự giao lưu, chia sẻ của nhiều nhân vật điển hình với những dấu ấn, thành tích về việc học tập và làm theo Bác. Đó là phi công Nguyễn Văn Thuận, một trong 10 gương mặt tiêu biểu Quân đội 2018; ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; ông Tám Đậu (Ngô Văn Đậu) – nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, làm từ thiện giúp đỡ người nghèo và các bệnh nhân nghèo; ông Sầm Văn Bình - người có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, cho ra đời nhiều tập tài liệu, giáo trình quý về chữ Thái; startup Lương Tú Anh, Tống Giám đốc Công ty Cổ phần Mắt Bão, Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2016; Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Funix; Họa sỹ Đặng Ái Việt, họa sĩ vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng; Nam sinh Nguyễn Thuận Hưng, Huy chương Vàng Olympic Toán.

Tại buổi giao lưu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và những bó hoa tươi thắm tặng 25 điển hình tiêu biểu. Ban Tổ chức trao hoa, biểu trưng và giấy chứng nhận cho một số điển hình và khách mời tham dự Chương trình; trao hoa và biểu trưng cho Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy và các đơn vị có điển hình khu vực và toàn quốc.

Hiền Hạnh 

TTXVN