1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

"Dù bị mưa lũ cô lập cả tuần bà con cũng không lo đói"

(Dân trí) - “Do dự báo trước tình hình mưa lũ nên huyện đã có kế hoạch dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm… nên chắc chắn dù có bị cô lập cả tuần thì đồng bào trên này sẽ không bị thiếu đói”, Chủ tịch huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khẳng định.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu với PV Dân trí vào ngày 4/11 trước tình hình mưa lũ gây sạt lở, cô lập hoàn toàn huyện vùng cao này.

Theo Chủ tịch huyện Nam Trà My, đến sáng nay (4/11), toàn huyện vẫn còn bị chia cắt do lũ lớn gây sạt lở tuyến QL40B từ TP Tam Kỳ lên.

QL40B từ Tam Kỳ lên Nam Trà My bị tắc do mưa lũ
QL40B từ Tam Kỳ lên Nam Trà My bị tắc do mưa lũ

Theo đó, QL40B đoạn qua Tắc Pỏ - Nước Xa bị ách tắc giao thông hoàn toàn từ 10 giờ ngày 1/11. Hiện nay huyện đang lập chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại do có nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở rất lớn ảnh hưởng đến tính mạng con người. QL40B đi Long Túc, thôn 5 Trà Nam bị hư rãnh dọc dài 12m.

Theo thống kê sơ bộ trên tuyến có 16 vị trí sạt lở với khối lượng ước tính 40-50 nghìn m3.

QL40B đoạn từ huyện Bắc Trà My đến Nước Xa bị sạt lở nhiều từ Km 78 đến Km 81 với khối lượng khoảng 15.000 m3, trôi hoàn toàn 1 cầu bản; ngầm sông Trường nước lớn, các phương tiện không qua lại được, sập cầu tại bãi đá Trà Giác. Từ cầu Nước Xa vào UBND xã Trà Leng có 12 điểm sạt lỡ lớn nhỏ, khối lượng khoảng 6.000 m3. Đường đi vào các xã Trà Linh, xã Trà Tập, xã Trà Vân... đều bị sạt lở nhiều đoạn.

Nhiều điểm đất đá sạt lở khiến giao thông bị đình trệ
Nhiều điểm đất đá sạt lở khiến giao thông bị đình trệ

​Lũ lớn làm sạt lở bờ sông Tranh đoạn qua trung tâm huyện Nam Trà My
​Lũ lớn làm sạt lở bờ sông Tranh đoạn qua trung tâm huyện Nam Trà My

UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH) huyện đã cử cán bộ đến từng xã để nắm tình hình và giúp nhân dân triển khai ứng phó với mưa lũ.

Chủ tịch huyện Nam Trà My cũng thông tin, tài sản của người dân trên địa bàn cũng bị thiệt hại nhiều. Nhiều nhà bị ngập.

Công sở, trường học bị đe dọa do mưa lũ
Công sở, trường học bị đe dọa do mưa lũ

Tại xã Trà Tập có 3 hộ dân đang sinh sống tại nóc Tak Rối thôn 4 có nguy cơ bị lũ quét, nếu lượng mưa kéo dài sẽ thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Do địa hình phức tạp, nước tại sông Tranh đang dân cao nên BCH xã chưa thể liên lạc được qua điện thoại và tiếp cận với các hộ dân trên.

Tại xã Trà Mai khu vực Nước Xa, mưa lớn làm sạt lở đất xuống đến gần nhà 4 hộ dân. Sạt lở đất vào nhà ông Hùng Định làm bể tường bê tông, hư hỏng nhà vệ sinh. Hiện UBND xã đang vận động nhân dân tại chỗ vận chuyển đồ đạc và chuyển đất ra ngoài.

“Hiện nay cán bộ huyện, xã đang tiến hành đi đến các điểm thôn, khu dân cư để nắm tình hình sạt lở để chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả mưa lũ”, ông Hồ Quang Bửu nói.

Trước những diễn biến hết sức khó lường của mưa lũ, huyện Nam Trà My đã chỉ đạo tăng cường thêm lực lượng công an, quân đội để chốt chặn trên QL40B nhằm nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông khi mưa lũ, sạt lở đang diễn ra.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cũng cho biết, trước mùa mưa lũ, huyện chỉ đạo các ngành chức năng ký kết với các chủ hộ kinh doanh tại trung tâm huyện dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm nhằm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tại huyện đã có siêu thị bán đầy đủ chủng loại hàng thực phẩm, tiêu dùng nên các mặt hàng thiết yếu không bị khan hiếm. Chợ trung tâm huyện cũng mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng nên các tiểu thương đều dự trữ khá nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, tại các xã đã xây dựng kho dự trữ gạo cứu đói do trung ương hỗ trợ và sẵn sàng xuất kho khi có yêu cầu. 43 thôn đều có kho thóc nhân đạo, 243 khu dân cư đều có kho thóc tình thương đang dự trữ hàng chục tấn lương thực để cứu đói.

“Điều đáng mừng là mùa vụ năm nay năng suất lúa nước và lúa rẫy của nhân dân huyện đạt khá cao. Gần 100% diện tích hoa màu đã được nhân dân thu hoạch xong và đưa về làng dự trữ trước mưa lũ nên lương thực sẽ không thiếu trong thời gian ngắn. Nếu QL40B khắc phục xong sớm thì hàng hóa sẽ lưu thông trở lại”, Chủ tịch huyện Nam Trà My thông tin.

Đối với học sinh các cấp trên địa bàn, nhờ thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú nên mỗi em bình quân được cấp 15kg gạo/tháng. Gạo đã được chuyển về các kho dự trữ của trường nên các em học sinh vẫn đảm bảo có gạo ăn trong những ngày mưa gió.

“Hiện nay khó khăn nhất là việc giải phóng ách tắc trên tuyến giao thông huyết mạch QL40B từ Tam Kỳ lên huyện để nhân dân đi lại, giao thương thuận tiện”, ông Bửu nói.

Công Bính