Dự án lớn phải được thẩm định về công nghệ môi trường

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, chương trình bảo vệ môi trường được giao cho Bộ TN&MT nhưng Bộ KH&CN cũng phải tham gia ý kiến. Theo quy định, các dự án sản xuất lớn đều cần ý kiến thẩm định của Bộ KH&CN về trình độ công nghệ và tác động môi trường.

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân đăng đàn trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 16/2 trên truyền hình quốc gia.

Một vấn đề đặt ra với Bộ trưởng Nguyễn Quân là vấn nạn ô nhiễm nguồn nước (ở nhiều vùng thành phố lẫn nông thôn) – một trong những nguyên nhân được xác định khiến tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam rất cao, ngày càng có xu hướng gia tăng. Để khắc phục tình trạng này, ngoài ngành Tài nguyên & Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Quân xác định, có trách nhiệm của ngành Khoa học & Công nghệ.

Ông Quân nêu rõ: “Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ Khoa học & Công nghệ là cơ quan được Chính phủ giao quản lý các công nghệ trong đó có công nghệ môi trường. Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng Chương trình bảo vệ môi trường, nhưng Bộ Khoa học & Công nghệ cũng tham gia ý kiến. Vừa rồi khi xây dựng Luật Khoa học công nghệ, chúng tôi cũng đưa vào quy định và được Quốc hội chấp nhận, đó là các dự án sản xuất đầu tư lớn, kể cả ở đầu tư nước ngoài thì đều có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học - Công nghệ về trình độ công nghệ và tác động môi trường. Chúng tôi hy vọng sắp tới việc kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tốt hơn”.
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân.
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân.

Bộ KH&CN cũng có nhiệm vụ hỗ trợ các bộ ngành khi nghiên cứu về môi trường. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội có công trình nghiên cứu về asen trong nước ngầm tại Hà Nội, đã được đăng tải trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, là một đóng góp lớn trong việc kiểm soát ô nhiễm.

Với Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ KH&CN cũng hỗ trợ một dự án lớn nghiên cứu chế phẩm sinh học để xử lý dioxin ở các vùng đất bị ô nhiễm do chất độc da cam Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh. Theo ông Quân, dự án hiện đang được thử nghiệm trên quy mô lớn, hy vọng sẽ xử lý triệt để ô nhiễm dioxin ở Việt Nam.

Cũng về vấn đề trách nhiệm hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực, Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi về việc một người dân ở Khoái Châu, Hưng Yên chế được thuốc trừ sâu từ dược thảo, không độc hại cho con người được báo chí phản ánh vừa qua. Sản phẩm của cá nhân này hiện gặp khó khăn, chỉ sản xuất được ở quy mô rất nhỏ vì không có “bà đỡ”, không có cơ quan tổ chức nào đứng ra nghiên cứu đầu tư phát triển và nhân rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định, đứng về mặt quản lý ngành khoa học công nghệ, rõ ràng, Bộ KH&CN, các cơ quan liên quan cần có trách nhiệm trong vấn đề. Khi một người dân, thậm chí một doanh nghiệp có được kết quả nghiên cứu còn sơ khai thì cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hỗ trợ nghiên cứu đó.

“Ở đây là trách nhiệm của Sở KH&CN địa phương, khi phát hiện người dân có nghiên cứu đó thì phải hỗ trợ, giới thiệu người dân đó với các cơ quan nghiên cứu TƯ hoặc địa phương đánh giá, hỗ trợ cho người dân nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, giúp họ đăng ký sản phẩm, nếu là sáng chế thì cấp bằng sáng chế, nếu là sáng kiến thì được bảo hộ quyền tác giả, hoặc nếu là kiểu dáng công nghiệp thì được cấp bằng kiểu dáng công nghiệp để họ yên tâm sản phẩm của họ được bảo hộ” – ông Quân phân tích.

Nghiên cứu khi hoàn thiện có thể được ứng dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, để các sản phẩm đi vào cuộc sống thì phải tuân thủ các quy luật, nghĩa sản phẩm phải có đầu ra, các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất thì phải có lãi. Cơ quan nhà nước có thể hỗ trợ người dân nhưng để kết quả nghiên cứu có thể thành sản phẩm thương mại hóa thì còn cần nhiều yếu tố khác.

Liên quan đến việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận câu hỏi từ một người nội trợ gặp khó khăn khi sử dụng bộ “kit” thử kiểm tra độ an toàn, mức dư thừa thuốc trừ sâu, hóa chất trên rau quả vì quy trình ạp dụng nhanh cũng phải mất… 1 giờ đồng hồ. Với băn khoăn về tính ứng dụng, độ khả thi của kit thử này, Bộ trưởng KH&CN giải thích, sản phẩm này được làm ra không có mục đích phục vụ đời sống hàng ngày.

Theo đó, việc kiểm soát độ an toàn của thực phẩm bán ra trên thị trường là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ kit thử được sản xuất để phục vụ công tác quản lý này của cơ quan chức năng. Để có kết quả chuẩn xác đảm bảo, các thao tác, quy trình kiểm tra phải tuân thủ đúng, đầy đủ.
 
2020, DN khoa học công nghệ tạo ra 7-15% GDP
 
Mức thuế đối với DN khoa học hiện được áp dụng ở mức cao nhất, đó là 4 năm miễn thuế hoàn toàn, 9 năm miễn 50%, sau đó, thuế suất cũng chỉ là 10% so với thuế suất thông thường. Còn khó áp dụng việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người làm khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều người có thể lợi dụng việc này. Ví dụ, doanh nghiệp thì thua lỗ, nhưng đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp thu nhập rất khủng. Nếu miễn thuế thu nhập cá nhân trong khi doanh nghiệp thua lỗ thì có xu hướng người ta sẽ lợi dụng việc đó và sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp sản xuất và điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý.
 
Các DN công nghệ cao, dù đầu từ vào các khu công nghiệp hay tồn tại độc lập nhà nước đều hỗ trợ, không phân biệt trong hay ngoài. Tuy nhiên, vẫn phải làm khu công nghệ cao vì theo kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước mới nổi, các khu công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu để lan tỏa những công nghệ mới, công nghệ cao, mà ở đó là các viện nghiên cứu, trường đại học, chứ không chỉ các khu công nghiệp.
 
Trong gần 8 năm qua, Bộ KH&CN cùng với các bộ, ngành đã xây dựng hệ thống các doanh nghiệp khoa học công nghệ, mặc dù số lượng ít, chưa hùng mạnh nhưng là khởi đầu cho quá trình để chúng ta có hệ thống doanh nghiệp sáng tạo. Họ là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng rất lớn, tốc độ tăng trưởng cao và họ tồn tại bền vững ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi. Và chúng tôi quan tâm tới các doanh nghiệp này không chỉ bằng các văn bản của Chính phủ mà cả tăng cường hợp tác quốc tế. Chúng tôi hy vọng đến năm 2020 sẽ có khoảng 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ, như Chiến lược phát triển khoa học công nghệ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và sẽ tạo ra từ 7-15% GDP từ những doanh nghiệp khoa học công nghệ này.
 

P.Thảo