Điểm mặt những dự án “khủng” thi công ì ạch ở Hà Tĩnh:

Dự án hơn 800 tỷ đắp chiếu sau hơn 8 năm thi công

(Dân trí) - Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh được đầu tư rất nhiều dự án lớn với kỳ vọng sẽ là đòn bẩy tạo bước đột phá phát triển kinh tế, xã hội. Song trái ngược với kỳ vọng ấy, rất nhiều dự án “khủng” thi công ì ạch, chết yểu đã để lại biết bao hệ lụy.

Với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, thu hồi đất của hàng trăm hộ dân thế nhưng sau hơn 8 năm thi công thì đắp chiếu, hàng tỷ nằm phơi nắng phơi sương...

Đó là những gì diễn ra tại Dự án Hệ thống tách nước, phân lũ, phòng chống ngập úng cho các xã phía Nam thị xã Kỳ Anh.

Thu hồi đất của hàng trăm hộ dân

Sau 8 năm triển khai, dự án bị đào xới nham nhở như thế này
Sau 8 năm triển khai, dự án bị đào xới nham nhở như thế này

Dự án do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương, thời gian bắt đầu thi công năm 2009.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) đến cầu Tây Yên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011; Giai đoạn 2 từ cầu Tây Yên đến đê Hòa Lộc do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn (địa chỉ tại khối 3, phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh) liên doanh Công ty CP Xây dựng 1 làm đơn vị thi công.

Mục tiêu của dự án là tiêu thoát nước cho gần 80km2 diện tích lưu vực sườn Đông dãy Hoành Sơn, tách lũ, hạn chế khả năng ngập lụt thuộc khu vực Sự án khu liên hợp luyện thép cảng Sơn Dương và các khu dân cư trên tuyến QL 1A.

Để thực hiện dự án này, các cơ quan chức năng đã phải thu đất của hơn 600 hộ dân. Thế nhưng đến nay đã hơn 8 năm, dự án vẫn chưa hoàn thành và dường như đắp chiếu.

Bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại thôn Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) cho biết: “Thời gian đầu thì thấy thi công rầm rộ nhưng từ khoảng năm 2014-2015 thì ngừng hẳn”.

“Người dân chúng tôi chủ yếu làm nông. Hàng chục héc ta đất của hàng trăm hộ dân bị thu hồi nhưng dự án thì lại thi công ì ạch. Các chú thấy đó, vật liệu thì vứt ngổn ngang phơi sương phơi nắng hết sức lãng phí”, bà Hoa phản ánh.

Còn ông Nguyễn Văn Toàn thì không khỏi lo lắng khi dự án thi công dang dở tạo nên những cái bẫy chết người.

“Họ đào nham nhở tạo thành những cái hố sâu, vào mùa mưa hết sức nguy hiểm. Đã có 2 trường hợp rơi xuống hố sâu đuối nước tử vong”, ông Toàn cho biết.

Đâu là nguyên nhân?

Ghi nhận của PV Dân trí tại dự án này, hạng mục chính của dự án là kênh dẫn nước chỉ mới đào nham nhở tạo nên nhiều vùng giống hồ nước. Thậm chí mương dẫn thoát nước phục vụ tưới tiêu bỏ dở đã bắt đầu xuống cấp hư hỏng.

Dự án hơn 800 tỷ đắp chiếu sau hơn 8 năm thi công - 2
Vật liệu xây dựng dự án bị vứt giữa trời như thế này
Vật liệu xây dựng dự án bị vứt giữa trời như thế này

Vật liệu cấu kiện dùng để thi công vứt khắp nơi, phơi nắng phơi mưa hư hỏng nằm ngổn ngang trên công trường.

Tại công trường vẫn có lán ở công nhân và hai cái máy xúc đất đang thi công nhưng tiến độ rất chậm.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh (đại diện chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân dẫn tới dự án bị chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng.

“Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, hiện ngân sách đã giải ngân được hơn 640 tỷ đồng. Ban làm chủ đầu tư nhưng vấn đề mặt bằng là do huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) phụ trách. Đến nay giải phóng mặt bằng chưa được 30%. Chúng tôi cũng thường xuyên đôn đốc, đề nghị sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng”, vị này cho biết.

“Cả một tuyến kênh nhưng chỉ mới bàn giao mặt bằng ở đoạn giữa thì không thể thi công được. Bây giờ đào dang dở là để giữ mặt bằng”,vị này giải thích thêm.

Thế nhưng khi PV làm việc với ông Nguyễn Vũ Tuấn, Phó ban Hội đồng GPMB (thị xã Kỳ Anh) lại cho rằng không có chuyện vấn đề giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ.

“Năm 2014 chúng tôi đã giải phóng được khoảng 2/3 mặt bằng bàn giao cho dự án rồi. Chỉ còn đoạn thuộc thôn Tây Yên là đang vướng chưa giải phóng được. Nếu nói vấn đề giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến dự án thì không đúng, bởi bản chất của mặt bằng đó nó không vướng. Như thôn Hòa Lộc bây giờ là đủ điều kiện để thi công”.

Để minh chứng cho lời nói dự án thi công không bị vướng mắc thì ông Tuấn cho biết, thời gian qua đơn vị thi công vẫn để một vài cái máy múc hoạt động trên công trường.

“Chính quyền khi bàn giao mặt bằng thì họ phải thi công, mà khi thi công có vướng mắc thì họ phải có ý kiến ngay chứ. Từ lâu đến nay họ (Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn) không có ý kiến gì cả. Không hiểu lý do vì sao mà họ không triển khai dự án”, ông Tuấn lý giải thêm.

Trong khi các ban ngành đang đùn đẩy trách nhiệm thì hàng tỷ đồng tiền của Nhà nước, nhân dân đang phơi nắng, phơi sương tháng này qua năm khác khiến những người dân không khỏi xót xa.

(Còn nữa)

Xuân Sinh