Dự án giao thông TPHCM: Vừa thiếu vốn vừa vướng mặt bằng

(Dân trí) - Hiện vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông tại TPHCM còn hạn chế, chủ yếu là nguồn ngân sách. Tuy vậy, có đến 3/4 tổng số dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khiến ngưng trệ, lãng phí.

Ngày 17/6, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TPHCM.

Dự án giao thông TPHCM: Vừa thiếu vốn vừa vướng mặt bằng - 1

TPHCM mới đưa vào sử dụng nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong giai đoạn 2016-2020 đã tập trung các nguồn lực để đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm như: đường Phạm Văn Đồng, đường vào cảng Phú Hữu, cầu vượt nút giao Gò Mây, nút giao thông Đại học Quốc gia và cầu vượt ở một số nút giao thông quan trọng... 

Các công trình này góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực, kéo giảm tai nạn giao thông qua từng năm, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu…

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng hầu hết các dự án đều triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm.

Dự án giao thông TPHCM: Vừa thiếu vốn vừa vướng mặt bằng - 2

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn triển khai dự án giao thông theo quy hoạch

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, đầu tư giao thông chủ yếu vẫn là ngân sách, khả năng huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, TPHCM chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh và các tuyến quốc lộ cũng chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch.

Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TPHCM chia sẻ những khó khăn của ngành giao thông. Song các đại biểu cũng cho rằng, sự phối hợp giữa các sở, ngành và quận, huyện còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Dự án giao thông TPHCM: Vừa thiếu vốn vừa vướng mặt bằng - 3

TPHCM vừa quyết định chuyển 2 dự án BOT sang sử dụng vốn ngân sách là dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 và cầu Tân Kỳ Tân Quý

Đại biểu Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP dẫn chứng, có nơi giao thông ách tắc phải làm cầu tạm để chờ xây cầu mới. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên dự án xây cầu bị "treo". 

Dẫn chứng thêm, ông Nguyễn Tấn Tuyến - Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP - cho biết, do áp dụng cứng nhắc giá bồi thường cũ, không theo kịp thị trường khiến người dân không đồng thuận nên nhiều dự án kéo dài đến 20 năm.

"Vướng lớn nhất của các công trình là bồi thường giải phóng mặt bằng. Phần lớn các dự án đều giao cho quận, huyện chịu trách nhiệm. Công trình kéo dài nhiều năm phải áp dụng nhiều chính sách về giá trong nhiều thời kỳ nên trở ngại lớn, có khi kéo dài đến 20 năm", ông Tuyến nói.

Dự án giao thông TPHCM: Vừa thiếu vốn vừa vướng mặt bằng - 4

Dự án đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 2,7km nhưng 5 năm mới chỉ làm được 3 trụ cầu

Ông Lương Minh Phúc - Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM - đưa ra số liệu đáng lo ngại về các dự án vướng mặt bằng thi công.

Theo ông Phúc, trong 75 dự án đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án. Đây là tồn tại đã rất lâu và Ban Quản lý đã chọn các dự án cấp bách để báo cáo UBND TPHCM tìm cách tháo gỡ. 

Ông Phúc cho rằng có một nghịch lý là công tác đền bù kéo dài 1-2 năm nhưng thời thi công thì ngắn. Chẳng hạn như đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) chờ mặt bằng đến 2 năm nhưng thi công chỉ 6 tháng. 

"Chúng tôi kiến nghị phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và xem đây là nhiệm vụ chính trị trong công tác sắp tới để đẩy nhanh tiến độ các công trình", ông Phúc nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu địa phương khi giải phóng mặt bằng.

Nguồn vốn công, tư đều thiếu trầm trọng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, trong tổng số vốn đầu tư công thì thành phố dành đến 37,5% để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho giao thông vẫn rất thiếu nên dồn sức để phát triển các công trình trọng điểm. 

Bên cạnh đó, ông Hoan cho biết thành phố cũng đang tìm hướng giải quyết khó khăn nguồn vốn bởi theo Luật Đầu tư công mới, tổng vốn đầu tư dự án cũ chỉ được bố trí lại tối đa 20%. Trong khi nhu cầu vốn dự án giai đoạn cũ là đến 220.000 tỷ đồng.

"Điều này dẫn đến 2 tình huống, đó là dự án cũ có những dự án không thể triển khai vì không có vốn. Còn dự án mới sẽ không có cơ sở lập dự án đầu tư mới trong 5 năm tới. UBND TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND TP xin chủ trương để cắt giảm một số dự án, bên cạnh đó xác định lại các tiêu chí ưu tiên, tập trung đầu tư. Mặt khác, thành phố cũng kiến nghị Trung ương xem lại quy định này", ông Hoan nói.

Dự án giao thông TPHCM: Vừa thiếu vốn vừa vướng mặt bằng - 5

TPHCM vẫn chưa thể khép kín đường Vành đai 2 vì thiếu vốn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Về vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, ông Hoan cho biết thành phố có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do đó, thành phố cũng đang tìm các giải pháp để tháo gỡ để rút ngắn quy trình, thời gian đền bù cho người dân. Thành phố sẽ thí điểm quy trình 2 trong 1 trong xác định thẩm định giá mà Chính phủ đã cho phép, quy trình này nhanh hơn trước rất nhiều. Tháng 10 này sẽ ban hành quyết định để triển khai từ năm 2021.

Ngoài ra, thành phố cũng tập trung phê duyệt quy hoạch chung, giao thông tĩnh, giao thông bộ, giao thông thủy, phát triển giao thông công cộng giai đoạn mới.

Dự án giao thông TPHCM: Vừa thiếu vốn vừa vướng mặt bằng - 6

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết sắp tới thành phố sẽ thí điểm quy trình 2 trong 1 trong xác định thẩm định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng

"Thành phố xác định phát triển hạ tầng giao thông là trọng điểm, là một trong những điểm nghẽn lớn phải giải quyết, khó khăn cũng phải làm. Giao thông không phát triển thì thành phố không phát triển", ông Hoan nói.

Trước đó, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho biết nguồn vốn đầu tư trung hạn 2016-2020 là 150.000 tỷ đồng - không đáp ứng nhu cầu của thành phố, trong đó lĩnh vực giao thông cũng thiếu vốn. 

Theo kế hoạch vốn chương trình giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, HĐND TP thông qua là hơn 61.300 tỷ đồng, đạt 35,7% nhu cầu.

Theo báo cáo của UBND TP, giai đoạn 2016-2020, kế hoạch bố trí vốn theo tiến độ và khả năng thực hiện các dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông với số vốn 12.625 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 27% so với nhu cầu dự kiến.

Về nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án đối tác công tư trong giai đoạn này chỉ đạt con số khiêm tốn là 16.966 tỷ đồng, đạt 13% so với nhu cầu. 

Quốc Anh