Đối thoại “mở cửa” bãi rác Nam Sơn bất thành, nội thành Hà Nội tìm cách sống chung với rác

(Dân trí) - Cuộc đối thoại giữa chính quyền TP Hà Nội với người dân Nam Sơn bất thành, hàng ngàn tấn rác vẫn chưa tìm được đường vào bãi rác Nam Sơn. Bên trong các quận nội thành, chính quyền đang cùng người dân tìm phương án “sống chung với rác”.

Chính quyền - người dân “vênh” phương án đền bù

Ngày 3/7, hàng trăm người dân trong vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn (bán kính 500 m) kéo đến thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn) tham dự cuộc đối thoại với UBND huyện Sóc Sơn và đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc thực hiện đền bù di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên, mức đền bù giá đất nông nghiệp 230 triệu đồng/sào cơ bản được người dân đồng tình. Tuy nhiên, nhiều người dân không đồng thuận với mức đền bù 860 nghìn đồng/m2 đất thổ cư và tài sản trên đất.

Ông Nguyễn Thành Trung (thôn Xuân Bảng) cho rằng, mức đền bù như phương án hiện nay là thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. “Bao nhiêu năm chúng tôi sống chung với mùi hôi thối của bãi rác liệu có ai thấu hiểu? Khi TP có chủ trương di dời đi nơi khác tôi rất mừng, nhưng quả thực giá đền bù như vậy quá bèo bọt”, ông Trung nói.

Đối thoại “mở cửa” bãi rác Nam Sơn bất thành, nội thành Hà Nội tìm cách sống chung với rác - 1

Người dân xã Nam Sơn chưa thống nhất với giá đền bù tài sản khi di dời

Còn bà Nguyễn Kim Loan cho biết, nếu huyện cũng như TP không điều chỉnh mức giá đền bù các loại đất, tài sản ngoài đất nông nghiệp, thì người dân không nhận tiền đi tái định cư. Vì không muốn cha ông nằm trong vùng ô nhiễm, bà Loan cũng mong muốn TP đưa ra chính sách di dời mồ mả của các hộ dân.

Ngoài việc phản ánh về giá đền bù các loại đất, người dân xã Nam Sơn còn bức xúc với tình trạng trì trệ trong việc đền bù di dời cho những hộ dân gần bãi rác Nam Sơn. Ông Nguyễn Văn Tuấn nhớ lại từ năm 2016, khi bãi rác Nam Sơn ô nhiễm quá nặng người dân mới kéo nhau ra chặn xe chở rác. Hơn hai năm đã qua, chính sách đền bù vẫn chưa hoàn thành, vì vậy từ ngày 1/7, người dân mới tiếp tục kéo nhau ra chặn xe chở rác.

Đối thoại với các hộ dân, ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, huyện đã thực hiện các quy trình đền bù di dời theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Ông Tuấn cũng cho biết nguyên nhân chậm đền bù di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng là khó khăn về vốn.

“Huyện cũng như TP đang tích cực triển khai các vấn đề liên quan đến việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn. Trong đó, quận cũng như TP đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn và phải vay qua Quỹ Đầu tư phát triển TP”, ông Tuấn nói và cho biết, trong tuần này huyện sẽ hoàn thành 3 đợt chi trả tiền đền bù các hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng thẳng thắn xin nhận trách nhiệm về việc chậm chi trả tiền đền bù di dời cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Tuấn có những quy trình bắt buộc phải làm nên tiến độ chưa đáp ứng được so với yêu cầu.

Cách trả lời lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn không làm người dân xã Nam Sơn thỏa mãn. Do vậy buổi đối thoại không đem lại kết quả như mong muốn. “Khi đối thoại không giải quyết được vấn đề, chúng tôi sẽ tiếp tục cắt cử không cho xe chở rác vào bãi, đến khi nhận được tiền đền bù mới thôi”, ông Nguyễn Văn Hoàn người dân xã Nam Sơn nói.

Dân nội thành tìm phương án “sống chung với rác”

Người dân Nam Sơn chặn xe chở rác vào bãi từ ngày 1/7, cũng tương ứng với thời gian đó người dân trong các quận nội thành TP Hà Nội “sống chung với rác”. Nhiều tuyến phố, khu chung cư đến chiều ngày 3/7 bắt đầu ứ rác, bốc lên mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, mất mỹ quan đô thị.

Để đương đầu với tình trạng này mà rất có thể sẽ kéo dài trong nhiều ngày, một số tổ dân phố trong nội thành bắt đầu vận động người dân cho rác vào túi bóng buộc chặt để không bốc mùi ra bên ngoài. Chiều ngày 3/7, Ban quản lý cụm nhà chung cư VOV (quận Nam Từ Liêm) còn phát đi thông báo ngừng hệ thống xả rác từ các tầng xuống đất cho đến khi có kế hoạch thu gom rác trở lại.

Đối thoại “mở cửa” bãi rác Nam Sơn bất thành, nội thành Hà Nội tìm cách sống chung với rác - 2

Khu chung cư phát thông báo ngưng hệ thống xả rác

Ban quản lý chung cư VOV đề nghị các hộ dân cho rác vào túi ni lông buộc kín, mang trực tiếp xuống phòng chứa rác dưới tầng một để tránh phát tán mùi hôi thối. “Nếu người dân ném qua hệ thông thu gom, thì túi đựng rác chắc chắn bị vỡ, sẽ không bảo đảm khi rác bị dồn ứ lâu ngày”, đại diện ban quản lý tòa nhà chia sẻ.

Ông Phùng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết, việc người dân chặn xe rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn từ ngày 1/7, cũng khiến rác tồn đọng trên địa bàn. Do vậy, ông Sơn cũng đã ký văn bản thông báo tình hình trên đến UBND các phường cùng người dân trên địa bàn tìm phương án ứng phó trong thời gian chờ TP giải quyết.

Đai diện quận Nam Từ Liêm đề nghị các phường vận động người dân bỏ rác vào túi ni lông bọc kín để tránh phát tán mùi hôi thối trong thời gian chưa thu gom, vận chuyển. Các phường tìm ô đất trống tránh xa khu dân cư để tập kết rác tạm thời.

Đối với công ty thu gom rác, ông Phùng Ngọc Sơn yêu cầu phải có phương án che chắn các bãi tập kết rác bằng bạt phủ kín để tránh phát tán mùi hôi; thực hiện rắc vôi khử trùng đối với các vị trí tập kết rác thải để ngăn chặn dịch bệnh.

Quang Phong