Đổi công lấy... rác

(Dân trí) - Mỗi ngày, họ khom lưng đạp xe loanh quanh các góc phố để tìm kiếm những mớ hỗn hợp “của bỏ đi” của người khác. Kiếm tiền mưu sinh trong rác, đó là “nguyên lý” tồn tại của cái nghề “chê người sang, thích kẻ nghèo khó” này.

Năng nhặt có chặt bị?

 

Gần 7 giờ tối, KTX Mễ Trì (Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện những chiếc xe đồng nát. Lặng lẽ dừng xe trước khu chứa rác, họ bắt đầu quá trình đào bới. “Giấy bóng, vỏ chai, lon bia, giỏ hoa, đồ nhựa… Gặp gì thì nhặt nấy”, chị Tâm - một người đã nhiều năm qua lại với “Mễ Trì rác” cho hay. Trong danh sách chị vừa liệt kê, vỏ chai và lon bia vẫn là của “trời cho” có giá nhất.

 

Hai người đàn bà ra sức bới đống rác, tìm kiếm; không hề trang bị găng tay hay khẩu trang. Cầm cái que sắt, chị Tâm cúi gập người, chen chân leo vào đống rác ngồn ngộn và bẩn thỉu. Thi thoảng vang lên những mẩu đối thoại ngắn: “Hôm qua, gái nhớn nhà tôi gọi điện lên bảo mẹ có tiền thì gửi về cho thằng em đóng học thêm, mua áo ấm”. “Ừ, thỉnh thoảng nhớ mấy đứa nhỏ quá. Mấy tháng rồi có về nhà thăm chúng đâu”. Rồi có tiếng thở dài. Không ai để ý đến vùng không khí ngột ngạt và hôi hám xung quanh.

 

Chừng mươi phút sau, tay trái chị Tâm đã đầy một nắm với hai cái ca nhựa vỡ, mấy cái sục nước cháy đen sém. “May thế, chắc là của bọn sinh viên vứt ra. Mà không biết bao giờ con cái mình được lên thành phố học?”, một người đồng hành xuýt xa chen chút tiếc rẻ. “Về làm sạch mớ này, bán cũng đủ tiền mua rau. Mà rau muống dạo này lại lên giá”, chị Tâm nói bâng quơ.

 

Chị Quy kể cho tôi nghe một ngày làm việc: “Sáng ra, bọn tôi tập trung ở góc chợ người dọc đường Nguyễn Trãi, có ai thuê gánh gạch, chở đất, dọn nhà, rửa bát… thì xôm, không nói làm gì. Nếu không, cứ tầm chập tối là mon men đi vào các khu rác. Có những ngày, đạp xe mỏi cả đầu gối mà không kiếm được một đồng nào chứ lỵ”.

 

Khi chiếc xe tải đi thu gom rác của Công ty Môi trường đô thị rẽ vào, hai người vội vàng dắt chiếc xe đạp lùi xa khu chứa rác. Nhẩm tính, mớ rác cả hai chị gom được chắc chỉ trên chục ngàn.

 

Tôi gặp một bà lão chuyên nhặt rác trên đường Thanh Niên. Bà lão tên Thi đã 70 tuổi vẫn tự nuôi thân bằng cái nghề gắn liền với rác này. “Đời người ai chẳng có quê có chốn, nhưng khốn nỗi số tôi nó khổ nên mới phải lên đây kiếm sống. Con với cái…”, bà bỏ lửng câu nói. Bà nói già rồi không đi đâu được, ngày nào cũng loanh quanh hai bên đường Thanh Niên.

 

Con đường này vốn nổi tiếng có nhiều du khách nước ngoài qua lại, cuối tuần lại là “đường yêu” của giới trẻ nên “rác ở đây cũng khá, mà toàn là rác xịn”, bà Thi “khoe”. Kết thúc một ngày nhặt nhạnh, bà ngồi lại phân loại rồi đem bán cho mấy gánh đồng nát ngang qua. Tối, bà đi bộ ra phía sau đê, rẽ qua dốc An Dương (phường Phúc Xá), tìm chốn ngủ trọ ghép chung với cửu vạn.

 

“Mỗi đêm mất 6.000 đồng, ngủ chỗ rẻ nhất đấy!”, bà nói. Hôm nay bà mới lót lòng bằng bữa cơm một giá 4.000 đồng “mua rẻ được”. Tuổi già của bà cứ trôi theo mùi rác…

 

Muốn nhặt rác, phải đẩy xe

 

Nơi tôi ở, cứ khoảng 4h30 chiều là có tiếng kẻng xe thu gom rác. Tôi lỉnh kỉnh với một túi ni-lon lèn chặt rác và chiếc chiếu cói đã sờn rách. Đang loay hoay chưa biết phải xử lý chiếc chiếu thế nào thì nghe tiếng một người phụ nữ: “Chiếu này còn sạch thì cháu cho cô xin đem về dùng”. Người đàn bà vừa nói đi cùng chị công nhân môi trường.

 

Cầm cái chiếu cũ, chị hỏi dồn mấy câu như để tránh ngại: “Mà chiếu này có sạch không? Có phải người bệnh đã nằm không đấy? Lỡ có bệnh lây thì chết”. Chị tên Hà, quê Ba Vì, Hà Tây, nhà nghèo lại đông con nên hễ dịp nông nhàn chị lại khăn gói ra Hà Nội. Ngày đi buôn đồng nát, đêm về theo công nhân vệ sinh đi nhặt rác.

 

Để có được một “suất” theo xe gom rác như thế này, chị phải đổi sức đẩy xe rác cho họ. Theo chị, nhặt rác theo cách này “hiệu quả và nhanh chóng vì khi người ta mang ra, thấy gì có thể bán được là mình xin lại ngay”.

 

“Đồng hành” với rác luôn là những mảnh đời đang phải “ghì sát đất” bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. “Nhặt rác lắm lúc cũng tủi phận lắm!”, người mẹ của bốn đứa con đang tuổi ăn học buông lời tâm sự nặng trĩu.

 

Sang Anh