Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III:

Đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

(Dân trí) - Ngày 28/9, 250 đại biểu đại diện cho gần 140 ngàn đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tiến hành Đại hội lần thứ 3/2019. Với khẩu hiệu “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Đại hội cũng đã giới thiệu 12 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II.

Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III/2019

Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III/2019 diễn ra ngày 27/9

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 37 dân tộc thiểu số đang sinh sống ở 13 huyện, thành phố; trong đó tập trung chủ yếu ở 6 huyện miền núi cao gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn; số còn lại sinh sống rải rác ở các xã vùng trung du miền núi các huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Đại Lộc; người Hoa có 2.711 người sống tập trung ở thành phố Hội An, Tam Kỳ và huyện Tiên Phước.

Địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trên các dãy núi cao, dọc sông suối; vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa; đây cũng là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch; đồng thời có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái.

Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III/2019

250 đại biểu đại diện cho gần 140 ngàn đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tham dự đại hội

Các dân tộc sinh sống theo từng làng, nóc; nghề nghiệp chủ yếu làm nương rẫy, lúa nước và những năm gần đây phát triển trồng cây công nghiệp và dược liệu như cây keo, cao su, sâm Ngọc Linh, ba kích, đẳng sâm, sa nhân và chăn nuôi bò, heo, dê, cá…

Đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam có tính cộng đồng rất cao; mỗi dân tộc có phong tục tập quán và nét đặc trưng văn hóa riêng, đa số có chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình; có niềm tin son sắt với Đảng, Nhà nước, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khắc phục thiên tai và xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, giao thông đi lại khó khăn; chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai biến đổi khí hậu, hạn hán, bão, lụt, sạt lở đất… thường xảy ra và là vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao của tỉnh.

Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III/2019

Các đại biểu có thành tích suất sắc được nhận bằng khen của Trung ương và địa phương

Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho hay, nhờ sự phối hợp đồng bộ, tranh thủ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua Quảng Nam đã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

“Việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã khơi dậy nguồn lực trong dân, tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực, đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; tập trung chăm lo giáo dục đào tạo, tăng cường chăm sóc sức khỏe, từ đó đã từng bước nâng cao mức sống tinh thần và vật chất cho người dân.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển, củng cố, ổn định vững chắc an ninh chính trị, giữ vững khối đoàn kết các dân tộc. Trình độ, năng lực, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là xã, thôn được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ được giao. Nhận thức của người dân có những thay đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế hộ gia đình và tham gia xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, bà Thủy phát biểu.

Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; các cấp chính quyền đã cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch sát đúng, phù hợp với điều kiện của vùng miền và địa phương.

Theo bà Thủy, nhìn chung, các chỉ tiêu cơ bản Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II đề ra đều đạt và vượt. Chính vì vậy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trong những năm qua đã có những bước phát triển đáng kể, đảm bảo cho người dân được thụ hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của mình đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phát biểu tại Đại hội, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – khẳng định, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam có truyền thống yêu nước và cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết một lòng, tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; mỗi dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc riêng, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

“Với tinh thần “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, vì mục tiêu xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ổn định và vững chắc”, ông Đinh Văn Thu phát biểu.

Tỷ lệ hộ nghèo miền núi giảm bình quân trên 5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân 6,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2018 đạt 16 triệu đồng, tăng 60% so với năm 2014.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, ông Đinh Văn Thu ghi nhận và biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, đồng bào các các dân tộc thiểu số trong tỉnh về những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua và chúc mừng những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số, mong các vị tiếp tục nêu gương sáng, góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phát biểu tại Đại hội, bà Hoàng Thị Hạnh –Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương những kết quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được theo các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, các dân tộc nước Việt Nam luôn kề vai sát cánh, chung thủy sắc son với Bác Hồ, một lòng trung với đường lối cánh mạng của Đảng. Tinh thần đó thể hiện đậm nét xuyên suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số là biểu tượng cho sự đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Quảng Nam là vùng địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Đồng bào các nhân tộc thiểu số ở tỉnh đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng anh ninh. Quan trọng nhất là tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

“Tỉnh Quảng Nam tuy tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng giảm 6,5% nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao, cần phải hỗ trợ đầu tư tích cực hơn. Do vậy, tỉnh cần tiếp tục kết hợp Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương chú trọng công tác tạo sinh kế, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt phải quan tâm đến vấn đề giáo dục…”, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh phát biểu.

Nhân dịp này, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cũng trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 5 tập thể, 10 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho 3 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc tỉnh thời gian qua.

Công Bính