TPHCM:

Đổ xô đi mua bánh tro cúng Tết Đoan Ngọ

(Dân trí) - Cũng như mọi năm, dù bận rộn thế nào thì vào ngày 4/5 âm lịch, người dân thành phố cũng tranh thủ mua vài chục bánh ú tro, ít hoa quả để chuẩn bị cho ngày Tết diệt sâu bọ vào ngày hôm sau (5/5 âm lịch).

Để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ, ngay từ sáng 11/6 (tức 4/5 âm lịch), rất đông người dân thành phố đã hối hả đổ về các chợ để mua sắm lễ vật chuẩn bị cho bàn cúng. Các sạp bánh ú tro, rượu nếp, hoa quả… luôn đông nghịt khách.

Đổ xô đi mua bánh tro cúng Tết Đoan Ngọ
Dù cuộc sống hối hả, người dân thành phố vẫn giữ gìn phong tục cúng bánh ú tro trong ngày Tết Đoan ngọ

Dạo quanh các chợ truyền thống ở khu vực trung tâm TPHCM như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Bình Thới (quận 11)… đều thấy lượng người mua bánh rất đông. Trên 1 số tuyến đường như Nguyễn Trãi (quận 5), Lê Văn Sĩ (quận 3)… cũng xuất hiện nhiều sạp bán bánh tro di động trên vỉa hè để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp này.

Tuy vậy, các tiểu thương vẫn than sức mua năm nay yếu dù giá bánh tro không tăng so với năm ngoái. Chị Hoàng Thị Tuyết (tiểu thương chợ Tân Định) cho biết: “Thường như mọi năm đến thời điểm này người dân mua bánh rất đông, thế nhưng năm nay lượng người mua bánh tro giảm hẳn”.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong sáng 11/6, giá bánh loại bánh ú tro có nhân giao động trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng/chục, giá bánh loại không nhân giao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/chục, lá treo 5 ngàn đồng/bó, cơm rượu 15 - 25 ngàn đồng/hủ…

Các gian hàng trái cây cũng tranh thủ tăng giá
Các gian hàng trái cây cũng tranh thủ tăng giá

Một số loại hoa quả thường dùng để cúng kiếng cũng nhích giá lên một chút so với ngày thường. Cụ thể, giá các loại trái cây ghi nhận tại chợ Tân Định (quận 1) như: vải thiều giá từ 35 – 40 ngàn đồng/kg (tăng 5 ngàn đồng/kg so với ngày thường), xoài cát 30 ngàn đồng/kg (tăng 5 ngàn đồng/kg), nhãn 60 ngàn đồng/kg (tăng 10 ngàn đồng/kg), thanh long 25 ngàn đồng/kg…

Sau đây là một số hình ảnh Dân trí ghi nhận được tại các chợ và các tuyến đường bán bánh tro cúng Tết Đoan ngọ:

Trong ngày 11/6, bánh ú tro có đầy ở các chợ
Trong ngày 11/6, bánh ú tro có đầy ở các chợ
Trong ngày 11/6, bánh ú tro có đầy ở các chợ

Và cả trên các tuyến đường lớn
Và cả trên các tuyến đường lớn

Những gian hàng di động
Những gian hàng di động
Những gian hàng di động

Loại bánh lớn có giá 15.000 – 30.000 đồng/cái
Loại bánh lớn có giá 15.000 – 30.000 đồng/cái

Cơm rượu cũng được người dân ưa chuộng.
Cơm rượu cũng được người dân ưa chuộng.
 

Tại Hà Nam, khác hẳn với ngày thường, ngay từ sáng sớm ngày 12/6, (tức ngày 5/5 âm lịch), dạo quanh các khu chợ ở thành Phố Phủ Lý, như chợ Phủ Lý, chợ Quy Lưu, chợ Gia Binh… có rất đông người dân thành phố kéo nhau đi chợ để mua sắm đồ cho tết Đoan Ngọ.

Mặt hàng hoa quả tăng giá nhẹ so với ngày thường
Mặt hàng hoa quả tăng giá nhẹ so với ngày thường

Anh Đỗ Văn Cường, ở thành phố Phủ Lý cho biết: “Vợ tôi bận trông cháu ở nhà, nên tranh thủ sáng sớm tôi chạy ra đây mua ít đồ. Ngày 5/5 năm nào cũng vậy, ít nhất cũng phải có hoa quả và mâm cơm cúng gia tiên…”.

Để chuẩn bị cho khách, các tiểu thương cũng rầm rộ chèo kéo khách hàng bằng những món hàng bắt mắt hấp dẫn. Các mặt hàng cũng rất phong phú đa dạng, nhưng bán chạy nhất vẫn có lẽ là mặt hàng rau củ quả, vịt, rượu, vàng hương…

Vịt là một trong những mặt hàng được người dân mua nhiều trong ngày tết Đoan Ngọ.
Vịt là một trong những mặt hàng được người dân mua nhiều trong ngày tết Đoan Ngọ.

Theo ghi nhận của PV, một số mặt hàng như hoa quả, hoa tươi có tăng giá nhẹ từ 5 đến 10.000đ so với ngày thường, giá vịt là 40.000đ/1kg. Còn các mặt hàng khác hầu như vẫn giữ nguyên giá. Có chăng tiểu thương chỉ nhập hàng vào số lượng lớn vì như mọi năm ngày 5/5 nào sức tiêu thụ các mặt hàng cũng đều rất lớn.

Giá hoa tươi cũng tăng giá so với ngày thường.
Giá hoa tươi cũng tăng giá so với ngày thường.

Không chỉ các khu chợ ở thành phố Phủ Lý, mà còn rất nhiều khu chợ ở các huyện trong địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đều tấp nập “kẻ bán người mua”. Hầu hết ai cũng bận rộn với công việc hàng ngày của mình nhưng họ đều bớt chút thời gian vào sáng sớm để chuẩn bị đồ lễ cúng tổ tiên, Thổ công. Nhà nào làm nghề thuốc cúng thêm Thánh sư.

Tại các chợ lớn tại thành phố Thanh Hoá như chợ Điện Biên, chợ Đông Thọ, chợ Đầu Mối, chợ Tây Thành… không khí mua bán các mặt hàng phụ vụ Tết Đoan Ngọ đã trở nên nhộn nhịn hơn. Ngoài các mặt hàng được bày bán từ trước đến nay, được bày bán thêm nhiều mặt hàng khác để phục vụ người dân mua sắm Tết Đoan ngọ. Các loại thực phẩm để ăn mùng giết sâu bọ truyền thống dân gian được ưa chuộng nhiều như chè nếp cẩm, nếp thường, bánh đa, bánh ú, thịt vịt…

Chè nếp cẩm và nếp cái hoa vàng là món ăn truyền thống trong ngày “giết sâu bọ”.
Chè nếp cẩm và nếp cái hoa vàng là món ăn truyền thống trong ngày “giết sâu bọ”.

Do là ngày Tết nên các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng giá lên, theo ghi nhận của PV, giá vịt cỏ tăng hơn so với ngày thường từ 5.000 – 10.000 đồng. Các loại hoa quả giá cũng tăng lên từ 1.000 - 2.000 đồng tuỳ thuộc vào từng loại.

Tại cửa hàng bánh tránh trên đường Tô Vĩnh Diện, từ chiều 4/5 đã có nhiều người đến chen chân để mua bánh. Sáng sớm ngày 5/5 vẫn còn có rất nhiều người mua bánh. Một chủ cửa hàng ở đây cho biết: “Đây là món bánh đa truyền thống nên được nhiều người ưa chuộng. Từ hôm qua tới nay gia đình tôi bán đến hàng nghìn cái bánh. Người dân mua bánh về làm lễ cúng rồi sau đó làm món ăn cùng với các món ăn khác như canh thịt thịt, các loại chè…”.

Bánh đa cũng rất đắt hàng.
Bánh đa cũng rất đắt hàng.

Chị Trần Thanh Hằng, phường Đông Thọ chia sẻ: “Vì là ngày tết nên giá các mặt hàng dù có tăng lên đôi chút nhưng mọi người cũng không mấy quan tâm đến, chỉ muốn mua cho nhanh được hàng để về làm lễ cúng”.

Thảo Trần - Tùng Nguyên - Đức Văn - Thái Bá