Quảng Ngãi:

Đò ngang bị cấm, người dân ốc đảo vượt sông bằng đò "3 không"

(Dân trí) - Sau vụ lật đò khiến 5 người suýt mất mạng, đò ngang qua thôn Ân Phú (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) bị cấm hoạt động. Cấm đò nhưng chính quyền chưa hỗ trợ phương tiện an toàn nên 300 hộ dân ốc đảo giữa sông Trà Khúc phải liều mình vượt sông trên chiếc đò "3 không".

Người dân liều mình vượt sông trên chuyến đò "3 không"

Thôn Ân Phú được ví như ốc đảo giữa sông Trà Khúc. Mùa mưa, tuyến đường vào thôn bị nước lũ chia cắt suốt nhiều tháng liền. Hơn 300 hộ dân thôn Ân Phú phải qua lại dòng nước lũ trên chiếc đò nhỏ được cấp từ nhiều năm trước.

Chiều ngày 2/11, chuyến đò ngang chở 5 người qua thôn Ân Phú bị nước lũ đánh lật úp. Rất may, người dân địa phương kịp thời ứng cứu nên cả 5 người thoát nạn trong gang tấc. Sau vụ tai nạn, chính quyền địa phương ra lệnh cấm đò ngang hoạt động.

Đò ngang bị cấm, người dân ốc đảo vượt sông bằng đò 3 không - 1
Chiều 2/11, chiếc đò ngang qua thôn Ân Phú bị lật khiến 5 người rơi xuống sông.

Dù ra lệnh cấm nhưng chính quyền địa phương không hỗ trợ phương tiện an toàn cho người dân qua sông. Do đó, 300 hộ dân thôn Ân Phú phải tự thuê đò vào bờ. Điều đáng nói, đây là phương tiện "3 không": không đăng ký, đăng kiểm; người lái đò không có chuyên môn, nghiệp vụ; không có áo phao.

"Chiếc đò này để vận chuyển cát nhưng người dân thôn Ân Phú nhờ nên tôi giúp chở họ qua sông. Tôi chỉ giúp vài hôm nên không trang bị áo phao",  ông Lê Văn Nhãn - người lái đò, cho biết.

Đò ngang bị cấm, người dân ốc đảo vượt sông bằng đò 3 không - 2

Do nhu cầu cấp thiết, người dân thôn Ân Phú phải thuê chiếc đò "3 không" để vượt sông mỗi ngày.

Đò ngang bị cấm, người dân ốc đảo vượt sông bằng đò 3 không - 3

Mỗi ngày có hàng trăm người dân, học sinh phải chấp nhận vượt dòng nước lũ trên những chiếc đò ngang không đảm bảo an toàn.

Theo ông Võ Loan (thôn Ân Phú), chính quyền cấm đò ngang hoạt động nhưng không hỗ trợ phương tiện qua lại. Vì vậy, người dân phải tự thuê đò qua lại sông Trà Khúc. Mỗi lần qua đò, mỗi người phải trả 10.000 đồng

Từ hôm xảy ra vụ lật đò người dân thôn Ân Phú luôn cảm thấy bất an. Những gia đình có con đi học phải cắt cử người đưa các em qua sông. Tính ra mỗi ngày, việc đưa đón các em đi học phải tốn từ 60.000 - 80.000 đồng.

"Xã cấm đò ngang thì chúng tôi qua lại bằng gì. Biết là nguy hiểm nhưng nhu cầu bức thiết quá nên phải cùng nhau thuê chiếc đò khác. Khu vực này sâu khoảng 5 m, lại có nhiều xoáy nước rất nguy hiểm", ông Loan nói.

Còn theo anh Nguyễn Phi, những ngày qua mực nước trên sông Trà Khúc xuống thấp nên dòng nước bớt chảy xiết. Tuy nhiên, chỉ cần vài trận mưa lớn đầu nguồn là nước chảy như thác, những chiếc đò ngang rất khó khăn để qua lại.

"Hôm xảy ra tai nạn trên đò chỉ có 5 người nên việc ứng cứu kịp thời. Bình thường, mỗi chuyến đò có thể chở đến 15 - 20 người, nếu lúc đó xảy ra lật đò thì hậu quả rất thảm khốc. Mong sao chính quyền hỗ trợ phương tiện đủ an toàn cho chúng tôi đi lại vào mùa mưa lũ", anh Nguyễn Phi kiến nghị.

Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Kỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An cho biết, dù biết nguy hiểm nhưng vẫn phải để cho người dân thuê đò qua sông vì đây là nhu cầu cấp thiết. Chính quyền cũng bố trí người trực tại bến đò vào giờ cao điểm nhắc nhở người dân mỗi khi qua sông.

"Trước mắt, chúng tôi vận động người dân phải trang bị áo phao khi qua đò, đặc biệt là cho các em học sinh. Xã đã báo cáo với UBND TP. Quảng Ngãi xin hỗ trợ phương tiện đảm bảo an toàn cho người dân thôn Ân Phú qua lại sông Trà Khúc", ông Kỹ thông tin.

 Quốc Triều