Đo đếm thiệt hại tai nạn giao thông: Địa phương nào "ém" số liệu?

(Dân trí) - “Việc trao đổi thông tin tai nạn giao thông giữa các Bộ, ngành chưa có cơ chế rõ ràng, nhất là việc trao đổi thống nhất số liệu về thiệt hại của tai nạn giao thông như số người chết, số người bị thương giữa Bộ Công an và Bộ Y tế chưa được thực hiện. Do vậy, số liệu của 2 ngành thường khác nhau rất nhiều”.

Đó là một trong những nội dung được nêu ra trong hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo Bộ Công an, số liệu tai nạn giao thông công bố hàng năm còn đơn giản, hầu hết chỉ có số vụ, số người chết, số người bị thương; chưa phân tích, đánh giá theo các tiêu chí khác để thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố tác động đến tai nạn giao thông.
Theo Bộ Công an, số liệu tai nạn giao thông công bố hàng năm còn đơn giản, hầu hết chỉ có số vụ, số người chết, số người bị thương; chưa phân tích, đánh giá theo các tiêu chí khác để thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố tác động đến tai nạn giao thông.

Không báo cáo hết số người chết do tai nạn giao thông

Tờ trình của Bộ Công an gửi Bộ Tư pháp khẳng định tai nạn giao thông là một vấn đề xã hội quan tâm từ nhiều năm nay. Các chủ trương, chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông được xây dựng dựa trên báo cáo về tình hình trật tự, an toàn giao thông, trong đó tai nạn giao thông và số liệu tai nạn giao thông là nền tảng của các đề xuất về chủ trương, chính sách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, hiện nay công tác thống kê, báo cáo tai nạn giao thông còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Giữa các Bộ, ngành chưa có sự thống nhất trong việc theo dõi, thống kê, phân loại tai nạn giao thông cả về nội dung, phương pháp, cách thức phân công thực hiện. Mỗi ngành có hướng dẫn riêng và do đó số liệu thống kê còn khác nhau.

“Việc trao đổi thông tin tai nạn giao thông giữa các Bộ, ngành chưa có cơ chế rõ ràng, nhất là việc trao đổi thống nhất số liệu về thiệt hại của tai nạn giao thông như số người chết, số người bị thương giữa Bộ Công an và Bộ Y tế chưa được thực hiện. Do vậy, số liệu của 2 ngành thường khác nhau rất nhiều”- tờ trình của Bộ Công an cho hay.

Theo Bộ Công an, số liệu tai nạn giao thông công bố hàng năm còn đơn giản, hầu hết chỉ có số vụ, số người chết, số người bị thương; chưa phân tích, đánh giá theo các tiêu chí khác để thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố tác động đến tai nạn giao thông như: mật độ dân cư, tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông, ảnh hưởng của cầu, đường giao thông...

Phương pháp thu thập thông tin, tổng hợp và phân tích tai nạn giao thông còn thủ công. Việc chia sẻ thông tin dữ liệu tai nạn giao thông chưa có quy định cụ thể, thống nhất giữa các Bộ, ngành có liên quan. Tiêu chí xác định người chết do tai nạn giao thông hiện tại chưa rõ ràng dẫn đến việc thống kê số người chết chưa chính xác và đầy đủ.

“Có trường hợp các địa phương không báo cáo hết số người chết do tai nạn giao thông khi đang trên đường đi cấp cứu hoặc sau khi cấp cứu tại bệnh viện, thay vào đó là thống kê thành người bị thương”- Bộ Công an nêu rõ.

Kết nối và chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên và tạo cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện, Bộ Công an cho rằng việc xây dựng Nghị định quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.

Các quy định về thống kê, chia sẻ dữ liệu tai nạn giao thông sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định các chính sách về giao thông được khoa học và chính xác. Chính vì vậy, Bộ Công an đưa ra 2 chính sách để thực hiện.

Chính sách 1: Quy định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong công tác thống kê, báo cáo, xây dựng và chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Chính sách 2: Quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Góp ý về định hướng xây dựng, Bộ Tài chính cho rằng cần sử dụng kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và trang thiết bị, máy móc hiện có của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị có các quy định cụ thể về nguyên tắc chia sẻ và kết nối các hệ thống thông tin với cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông để khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu này, đảm bảo phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính phủ điện tử của các Bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử các địa phương.

Để thuận lợi trong việc cập nhật, kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, trong thời gian tới, Bộ Công an cần xem xét và ban hành các tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối cập nhật, như mô tả kỹ thuật về địa chỉ, giao diện kết nối; các dịch vụ cung cấp dữ liệu; các hàm giao tiếp giữa các hệ thống; công nghệ mã hóa, an toàn, bảo mật; cấu trúc dữ liệu trao đổi; dữ liệu đặc tả về tập dữ liệu được trao đổi theo các quy định.

Thế Kha