Dịch ruồi bùng phát ở TPHCM

Cô chủ quán vừa đặt ly nước xuống bàn, đã thấy hai con ruồi chết bên trong. “Để tôi làm ly khác, ly này không tính tiền”. Cô chủ quán chỉ vào trong sân, ruồi đậu đen kịt trên nền gạch. Trên bàn, xác ruồi chết lổn ngổn trong chiếc khay đựng thuốc diệt ruồi.

Ruồi tấn công nhà dân

 

“Ruồi nhiều vô số kể, khách vào quán nhìn thấy phát ớn nên bỏ đi hết...” - cô chủ quán than. Bà Tư, mẹ cô chủ quán, chép miệng: “Từ sáng đến giờ đã 2 lần đem đổ xác ruồi mà vẫn còn”.

 

Bước sang hàng rau quả của bà Võ Thị Anh cạnh bên (2/8 B Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), ruồi đậu lúc nhúc trên tất cả các loại rau, quả. Bà Anh vừa đốt thêm nhang xua ruồi vừa làu bàu: “Không biết ruồi ở đâu mà diệt hoài không hết”.

 

Theo phản ánh của người dân, từ Tết đến nay, khi bãi rác Đông Thạnh tiếp nhận chất thải hầm cầu thì ruồi phát sinh nhiều vô số kể. “Tình trạng ruồi bùng phát khiến bà con ở đây hết sức khổ sở. Thậm chí ban ngày đi ngủ cũng phải giăng mùng để tránh ruồi tấn công...” - anh Nguyễn Văn Bảo, nhà ở gần khu vực này, bức xúc. Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo, chủ quán phở, bún bò gần cổng ra vào bãi rác Đông Thạnh, rầu rĩ: “Bà con đã phản ánh nhiều lần nhưng chẳng thấy ai phun thuốc diệt ruồi cả”.

 

Dù bụng đói cồn cào nhưng nhìn cảnh ruồi bay như ong vỡ tổ trong mấy quán cơm cùng cảnh những chiếc xe chở chất thải hầm cầu, chở nước rỉ rác chốc chốc chạy ra chạy vào bãi rác, tôi đành nhịn cho xong.

 

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

 

Ngày 19/3, chúng tôi trở lại khu vực gần Xí nghiệp Chăn nuôi Gò Sao, khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12, ruồi vẫn là nỗi ám ảnh của người dân. Chị Đào Ngọc Thu Lanh, nhà ở gần xí nghiệp, nói như nài nỉ tôi: “Chú làm ơn viết báo nói giúp bà con, chứ sống khổ sở như vầy hoài chịu sao thấu”.

 

 

Dịch ruồi bùng phát ở TPHCM - 1
 

Ruồi bâu đen các loại hoa quả.

 

Xác ruồi chết ở các khu vực này cũng như khu vực bãi rác Đông Thạnh, người dân cho vào bịch ni lông và đổ chung với rác sinh hoạt nên có nhiều khả năng gây ô nhiễm môi trường, gieo rắc dịch bệnh.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, cho biết do ruồi ăn thức ăn dơ bẩn chứa các loại vi khuẩn gây bệnh nên rất dễ làm bùng phát các dịch bệnh như tả, lỵ, mắt hột... Theo bác sĩ Xuân Mai, trước tình trạng ruồi bùng phát, người dân phải hết sức cẩn thận trong việc bảo đảm vệ sinh ăn uống vì ruồi có thể thải phân vào thức ăn và gieo rác mầm bệnh.

 

Đối với xác ruồi chết, phải đào hố, rải vôi chôn lấp hoặc tiêu hủy để tránh lây lan mầm bệnh. “Người dân nên nhốt gà, vịt cẩn thận, không cho ăn xác ruồi chết. Nếu gà, vịt ăn phải ruồi chết thì người ăn thịt gà, vịt cũng dễ bị mắc bệnh dây chuyền” - bác sĩ Mai khuyến cáo.

 

Chiều cùng ngày, bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng Khoa Sức khỏe - Môi trường, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết sẽ khẩn trương xuống khu vực kiểm tra và diệt ruồi.

 

Chưa thể đóng cửa bãi rác Đông Thạnh

 

Đầu tháng 3/2007, qua kiểm tra, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM và chính quyền địa phương đã xác định có tình trạng ô nhiễm tại nơi tiếp nhận xử lý chất thải hầm cầu ở bãi rác Đông Thạnh. Trong thời điểm xả chất thải vào ô tiếp nhận có phát sinh mùi hôi và người dân địa phương phản ánh từ lúc bãi rác tiếp nhận chất thải hầm cầu, ruồi, muỗi phát sinh nhiều hơn. Chính quyền xã có yêu cầu ngưng tiếp nhận chất thải hầm cầu để bảo đảm sức khỏe cho người dân...

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, việc đóng cửa là không thể bởi đây là điểm tiếp nhận rác duy nhất của TP hiện nay. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, Sở Tài nguyên - Môi trường đã chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị tiến hành ngay các biện pháp khẩn cấp như: hạn chế việc phát sinh mùi hôi trong công đoạn tiếp nhận và vận chuyển. Lưu ý các tài xế khi vận chuyển tránh để nước thải rơi vãi, khi đổ xong phải rửa bồn chứa, xe sạch sẽ; xịt hóa chất khử mùi thường xuyên để hạn chế ô nhiễm, phát sinh ruồi, muỗi; trồng cây xanh cách ly...

 

Theo Trung Thanh - K.Long

Người Lao Động