Sóc Trăng:

Đến hẹn lại… vỡ đê!

(Dân trí) - Những ngày cuối tháng 10/2015, người dân ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) lại lao đao khi nhiều đoạn đê bao bị vỡ, gây thiệt hại rất lớn trong sản xuất và trong cuộc sống của người dân.

Điều đáng nói, tình trạng vỡ đê ở huyện này luôn xảy ra hàng năm, dù chính quyền địa phương đã huy động lực lượng gia cố hàng trăm công trình bờ bao xung yếu với tổng kinh phí của nhà nước và của nhân dân lên đến nhiều tỷ đồng nhưng cứ đến mùa mưa bão lại vỡ đê liên tục khi có triều cường.

Bao giờ mới hết cảnh đê bao bị vỡ.
Bao giờ mới hết cảnh đê bao bị vỡ.

Ông Hồ Thanh Kiệt- Trưởng phòng TN-MT huyện Cù Lao Dung cho biết, trong con nước triều cường tối ngày 27/10, mực nước dâng cao ở mức đỉnh triều tại Đại Ngãi là 2m08, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm. Theo thống kê của huyện, có khoảng 19 đoạn, với chiều dài 87m đê bao bị vỡ và 10 đoạn nước tràn qua đê bao dài trên 900m. Ban phòng chống lụt bão huyện đã nhanh chóng huy động lực lượng thanh niên và đưa cơ giới vào để khắc phục những đoạn bị vỡ và tràn bờ để giảm thiệt hại cho người dân.

Triều cường dâng cao đã làm tràn 9 đoạn bờ bao trong dân và các tuyến lộ nông thôn ở các xã, thị trấn của huyện Cù Lao Dung. Ngoài ra còn phá vỡ 19 đoạn bờ bao dài khoảng 87m ở xã Đại Ân 1, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông và An Thạnh Nhì. Trong đó có một đoạn bờ ở trung tâm xã Đại Ân 1 bị vỡ gây ngập úng trên 15 ha, làm thiệt hại hoa màu, 2 ao cá và làm ảnh hưởng năng suất mía, vật nuôi, làm ngập hàng chục căn nhà của bà con.

Một đoạn đê bao xã Đại Ân 1 bị vỡ.
Một đoạn đê bao xã Đại Ân 1 bị vỡ.

Theo ông Phạm Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung), con nước lớn vừa qua đã làm vỡ 10 đoạn bờ bao trong dân, chính quyền địa phương vận động nhân dân khắc phục ngay 6 đoạn, còn 3 đoạn phải khắc phục bằng cơ giới mới đảm bảo. Với những đoạn bị vỡ lớn ảnh hưởng đến các diện tích hoa màu của bà con, xã đã báo cao nhanh về huyện để được kịp thời hỗ trợ. Hiện nay chưa có số liệu thống kê thiệt hại nhưng nếu tình trạng ngập lụt kéo dài chắc chắn sẽ thiệt hại nặng hơn.

Ông Hồ Thanh Kiệt cho biết thêm: Hiện Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của các địa phương trong huyện đang khẩn trương triển khai các phương án khắc phục hậu quả và tiếp tục khảo sát thêm các tuyến xung yếu, tổ chức trực ban 24/24 với quyết tâm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất và phòng tránh vỡ thêm các đoạn khác.

Bà Phạm Thị Tám (76 tuổi, ngụ tại xã Đại Ân 1) cho biết: “Năm nào đê cũng vỡ, nước ngập sâu quá đầu gối, làm thiệt hại rất lớn đến hoa màu, tài sản, gây khó khăn trong cuộc sống của người dân. Bà con chúng tôi mong sao chính quyền khắc phục tình trạng năm nào cũng vỡ đê chứ để tình trạng này kéo dài thì không yên tâm chút nào”.

Dù đã khắc phục nhưng tình trạng vỡ đê tại Cù Lao Dung vẫn xảy ra.
Dù đã khắc phục nhưng tình trạng vỡ đê tại Cù Lao Dung vẫn xảy ra.

Theo quan sát, hầu hết các tuyến đê bao ở Cù Lao Dung rất nhỏ, lại chủ yếu đắp bằng đất tại chỗ, không được gia cố chắc chắn nên khi nước lớn tràn vào sẽ gây sự cố vỡ nhiều đoạn. Có một số đoạn đê bao thấp, người dân phải dùng đất be bờ cao hơn để ngăn nước tràn vào nhưng việc be thêm đó cũng không đảm bảo an toàn vì tạm bợ, không kiên cố.

Do đê thấp nên người dân phải be bờ cao hơn để ngăn nước tràn vào.
Do đê thấp nên người dân phải be bờ cao hơn để ngăn nước tràn vào.

Theo số liệu, mùa mưa năm ngoái, chỉ trong 3 ngày (9 - 11/10/2014), do ảnh hưởng của triều cường, trên địa bàn các xã An Thạnh Tây, An Thạnh Ba, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam, Đại Ân 1 của huyện này đã có 76 đoạn đê bị vỡ với chiều dài hàng trăm mét, làm ngập 140 căn nhà, hơn 700 ha hoa màu (chủ yếu là mía) cũng bị ngập trong nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, triều cường còn làm ngập đoạn đê bao tả hữu cù lao với chiều dài hơn 40m, làm ngập và sập nhiều đoạn đường, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.

Nguyên nhân bị vỡ là do đê bao đã có từ nhiều năm qua đã bị xuống cấp, không được bồi trúc nên không thể chống lại nổi sức ép của dòng nước lũ từ ngoài sông dâng cao.

Bạch Dương