Quảng Nam:

Đêm nằm nghe sông lở mà thót tim

(Dân trí) - “Cứ mỗi khi trời mưa gió là dân làng chúng tôi lo lắm. Đêm nằm ngủ nghe sông lở mà giật mình, thót tim” - Đó là tâm sự của ông Nguyễn Quang Dưng, căn nhà của ông bây giờ chỉ còn cách sông Quảng Huế 10m.

Vùng dân cư ven sông Quảng Huế đoạn chảy ra xã Đại An (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) sau cơn bão số 11, người dân đứng ngồi không yên vì sông đã “ăn” sát vách, có thể “nuốt” nhà bất kỳ lúc nào.

Mỗi mùa mưa lũ, sông Quảng Huế lại bị sạt lở nặng
Mỗi mùa mưa lũ, sông Quảng Huế lại bị sạt lở nặng

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Chưu (63 tuổi) trước đây cách bờ sông vài chục mét, trải qua vài mùa lũ, giờ chỉ còn cách bờ khoảng 10m và đang tiếp tục bị dòng sông khoét sâu vào.

Dẫn chúng tôi ra sau nhà, chỉ vào nơi đang tiếp tục sạt lở, bà Chưu lo lắng: “Nếu không làm kè hoặc di dời dân đi, chắc chỉ một mùa lũ nữa là nhà tôi sẽ bị lùa xuống sông thôi”.

Bà Chưu cho biết, trước đây, ngay phía sau lưng nhà bà là dòng sông đã bồi trở lại nên dân yên tâm làm nhà. Không những thế, dân còn mua tre về trồng dọc theo bờ để bảo vệ xóm làng. Thế mà nay hàng tre cũng đã bị trôi tuột xuống sông, chỉ còn lại vài bụi, “mà trước sau gì nó cũng sẽ bị trôi đi thôi”, bà Chưu khẳng định.
 
Bụi tre giờ đã trôi ra giữa sông
Bụi tre giờ đã trôi ra giữa sông

Bà Chưu là một trong những hộ khó khăn của thôn Phước Yên, căn nhà của bà bằng phên tre và lợp tôn. Trận lũ sau cơn bão số 11 vừa qua tuy không lớn nhưng bà cũng phải ôm đồ đạc và dắt con cái đến nhà người quen ở tạm vì theo như lời bà: “Sợ nước nó tống vào nhà sập lúc nào không hay, sông đã lấn đến sát nhà rồi”.

Nỗi lo của bà Chưu cũng như của hàng chục hộ dân thôn Phước Yên khác đang thấp thỏm với cảnh sông đã “ăn” vào gần đến móng nhà. Căn nhà bề thế hai tầng của ông Nguyễn Quang Thịnh (61 tuổi) trước đây vài năm cũng cách khá xa bờ sông, giờ cũng chỉ chỉ còn cách mép sông hơn 10m.

Ông Thịnh cho biết, cách đây khoảng 4 năm do thấy bờ sông đã bồi nên ông mới dồn tiền làm căn nhà này để ở, không ngờ sau khi làm xong cũng là lúc bờ sông bắt đầu lở dần. Giờ ông cũng chỉ biết đứng nhìn và cầu trời đừng có lũ lớn nữa.
 
Đoạn sông sạt lở kéo theo hàng tre cũng bị trôi xuống sông
Đoạn sông sạt lở kéo theo hàng tre cũng bị trôi xuống sông

“Nhà tôi trước đây cách bờ sông Quảng Huế này 50m, nay chỉ còn hơn 10m. Tôi lo nếu không có giải pháp gì thì 1 năm nữa thôi căn nhà này sẽ trôi xuống sông thôi”, ông Thịnh lo âu.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Quang Dưng gần đó giờ cũng chỉ cách mép sông Quảng Huế 10m. Ông bảo trước đây sông không lở mới làm nhà, nếu biết lở thế này thì đố ai dám làm. Bao nhiêu tiền bạc ông dồn hết để làm, nếu không may bị trôi xuống sông thì không biết lấy tiền đâu làm lại, mà di dời đi thì cũng không thể.

“Mỗi khi mưa to giớ lớn, lũ về là dân chúng tôi lo lắm. Đêm nằm ngủ nghe sông lở mà giật mình thót tim, ngủ không được”, ông Dưng tâm sự.

Ngay ngôi từ đường của dòng tộc Nguyễn Quang được xây cách đây 12 năm, giờ cũng đã mấp mé bờ sông. Không biết vài năm nữa rồi sẽ ra sao nếu như không có giải pháp.

Hầu hết người dân ở Phước Yên bảo rằng, làng mang tên Phước Yên nhưng mấy năm nay không được yên bởi con sông Quảng Huế cứ “ăn” vào. Người dân bảo một là làm kè hai là dân phải bỏ làng đi. Không kè thì mất làng, còn đi thì không biết đi đâu bởi cuộc sống của họ đã bao đời nay gắn với mảnh đất này. Giờ chỉ còn hy vọng Nhà nước đầu tư làm kè thôi.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch xã Đại An – ông Huỳnh Sáu - cho biết, con sông Quảng Huế bị lở đã ảnh hưởng đến thôn các thôn Phước Yên, thôn 4, Nghĩa Nam, Phú Lộc; trong đó thôn Phước Yên bị ảnh hưởng nhiều nhất với gần 30 hộ dân với đoạn lở dài khoảng 1,5km. Không những ảnh hưởng đến nhà dân mà các công trình như nhà văn hóa, khu đình làng… cũng bị đe dọa.

“Địa phương kêu rất nhiều lần nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên đoạn kè này vẫn chưa làm được”, Chủ tịch xã Đại An – Nguyễn Sáu cho biết. Để bảo vệ dân, mỗi khi có mưa bão là phải di dời dân và tài sản đến nơi an toàn. “Vừa rồi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thăm thì người dân hy vọng bờ kè sẽ được đầu tư xây dựng sớm”, ông Sáu nói.
 
Kè tạm đang được làm để bảo vệ người dân trong mùa lũ này
Kè tạm đang được làm để bảo vệ người dân trong mùa lũ này

Còn Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc – ông Phan Đức Tính – cho biết, trước đây năm 2010, dự án kè này đã được phê duyệt với số vốn trên 40 tỉ đồng nhưng tỉnh không xin được nguồn vốn. Đầu tháng 10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã chuyển dự án từ Sở NN-PTNT về huyện để thúc đẩy nhanh. Đến nay, dự kiến số vốn để đầu tư cho dự án lên đến trên 60 tỉ đồng.

“Để bảo vệ cho người dân và đất đai trong mùa mưa lũ này, tỉnh đã trích kinh phí 500 triệu đồng để làm bờ kè tạm và hiện đang được xây dựng. Nhưng về lâu dài, phải có vốn để làm kè, nếu không đất đai nhà cửa của người dân sẽ không được an toàn”, ông Phan Đức Tính cho biết.

Công Bính