Đề xuất xóa biển xanh, biển đỏ: "Cái biển số xe không có lỗi!"

(Dân trí) - “Xe biển xanh, biển đỏ không phải là xe ưu tiên. Người sử dụng đang hiểu sai về quyền của mình. Cái biển không có lỗi mà lỗi là do người điều khiển xe. Việc đổi biển xanh, biển đỏ để đồng bộ chuyển sang biển trắng không phù hợp về mọi mặt, gây lãng phí và không giải quyết được vấn đề gì cả…”.

Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp, Bộ Công an - trao đổi với PV Dân trí liên quan đến đề xuất xóa bỏ xe “biển xanh”, “biển đỏ” được đưa ra mới đây.

“Mục đích của việc quy định xe biển xanh, biển đỏ và biển trắng là nhằm quản lý phương tiện, quy định màu biển không phải để phân loại xe ưu tiên và không ưu tiên. Tất cả các loại xe, dù mang biển xanh, biển đỏ hay biển trắng đều bình đẳng trước pháp luật và đều có trách nhiệm phải thực hiện các quy định của pháp luật như nhau” - Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết.

Nhiều người đi xe biển xanh đang hiểu sai về xe ưu tiên và tự cho mình quyền được ưu tiên (ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
Nhiều người đi xe biển xanh đang hiểu sai về xe ưu tiên và tự cho mình quyền được ưu tiên (ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

Nói về đề xuất xóa xe biển xanh, biển đỏ và đồng bộ biển trắng trên toàn quốc, Thiếu tướng Trần Thế Quân nhấn mạnh: Đó chỉ là một đề xuất, để nghiên cứu và đưa vào thực thi hay không còn rất nhiều yếu tố liên quan và phải cân nhắc rất thận trọng. Đây là vấn đề rất lớn, không phải nói ra là làm, bởi “Xe biển xanh, biển đỏ là tài sản công và phải thực hiện quản lý tài sản công. Nếu xóa bỏ xe biển xanh, biển đỏ thì việc quản lý tài sản công và kiểm tra giám sát khó khăn hơn”.

Dư luận đặt câu hỏi: Vây xe nào là xe ưu tiên? Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp nói rõ: Không phải ai cũng được đi xe biển xanh và ít người đi xe biển xanh được ưu tiên. Xe ưu tiên phải có yếu tố công vụ, về hình thức xe phải có các tín hiệu nhận biết gắn với biển xanh như: Cờ, đèn, còi… Đó là quy định.

“Thực tế xe biển xanh không được ưu tiên gì cả, người sử dụng xe biển xanh đang hiểu sai về quyền của mình, tự cho mình quyền được ưu tiên. Khi xe vi phạm giao thông không thể dựa vào biển xanh, biển đỏ, bởi cái biển không có lỗi mà lỗi là do người điều khiển xe, trong khi đó lực lượng cảnh sát giao thông không thực hiện nghiêm quy định về xử phạt vi phạm nên mới dẫn tới mất công bằng” - Thiếu trướng Trần Thế Quân khẳng định.


Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp, Bộ Công an: Xóa xe biển xanh, biển đỏ để đồng bộ xe biển trắng không giải quyết được vấn đề gì (ảnh: Tiền Phong)

Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp, Bộ Công an: "Xóa xe biển xanh, biển đỏ để đồng bộ xe biển trắng không giải quyết được vấn đề gì" (ảnh: Tiền Phong)

Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp cho biết thêm: Ở đây là ý thức pháp luật của người điều khiển phương tiện và trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ, cần xác định chặt chẽ đối tượng được cấp biển xanh, biển đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm. Việc đổi biển xanh, biển đỏ sang biển trắng không thay đổi trật tự giao thông và chắc chắn không giải quyết được vấn đề gì. Bên cạnh đó, đổi biển sẽ gây tốn kém về tiền bạc, mất thời gian, phải sửa đổi hàng loạt các quy định có liên quan, các cơ chế quản lý và giám sát tài sản công…

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lưu Văn Quang - Công ty Luật Alphabet - nêu quan điểm: Đổi biển xanh, biển đỏ sang biển trắng có thể gây nên rất nhiều hệ lụy có liên quan. Cụ thể, sẽ phải thay đổi các quy định của pháp luật hiện hành trong việc đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới, ảnh hưởng đến sự phân cấp trong hoạt động quản lý có liên quan; tốn kém về chi phí và thời gian trong việc chuyển đổi lại các loại biển xe.

“Xóa bỏ biển xanh, biển đỏ để làm gì? Muốn tất cả các phương tiện được đối xử bình đẳng thì công bằng nằm ngay ở việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, sự nghiêm mình của lực lượng chấp pháp chứ không nằm trong chiếc biển xe. Thực chất biển xe chỉ là một hình thức mà Nhà nước áp dụng trong việc quản lý phương tiện mà thôi, nếu bản thân người chấp pháp vẫn e dè biển xanh, biển đỏ thì dẫu có chuyển đổi sang biển trắng sẽ lại e dè những chiếc thẻ màu đỏ, màu xanh” - Luật sư Lưu Văn Quang cho hay.

Châu Như Quỳnh