Đề xuất thu phí trở lại trên cao tốc TPHCM - Trung Lương

(Dân trí) - Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng việc tái thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương nhằm đảm bảo an toàn giao thông, ngăn chặn xuống cấp tuyến cao tốc đầu tiên của phía Nam và tạo nguồn thu cho ngân sách.

TPHCM - Trung Lương là đường cao tốc đầu tiên khu vực phía Nam, được đưa vào sử dụng năm 2010. Từ năm 2012, công trình bắt đầu được thu phí để hoàn vốn cho ngân sách Nhà nước 9.885 tỷ đồng đầu tư xây dựng. Tuyến cao tốc này dài hơn 60km, 6 làn xe, với vận tốc khai thác là 120 km/h.

Năm 2014, Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh đã trúng thầu quyền thu phí trên cao tốc với giá 2.004 tỷ đồng và được quyền thu phí từ 1/1/2014 đến 31/12/2018.

Đề xuất thu phí trở lại trên cao tốc TPHCM - Trung Lương - 1

Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành đề án thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương

Từ 1/1/2019, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận và giao lại cho Cục Quản lý đường bộ IV quản lý đường cao tốc này và chưa có kế hoạch thu phí trở lại.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, với thực trạng khai thác hiện nay, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến và không được kiểm soát gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ách tắc trên toàn tuyến. Ngoài ra, tuyến đường này cũng xuất hiện một số đoạn hư hỏng, xuống cấp.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Cụ thể như: từ đường cao tốc đạt chuẩn trở thành đường quốc lộ do không kiểm soát được các thành phần, tải trọng phương tiện tham gia giao thông. Giảm tốc độ khai thác làm tăng thời gian lưu thông, ảnh hưởng đến chi phí Logistics…

Đặc biệt, trên tuyến có 13 cầu vượt sông, cầu cạn với tải trọng thiết kế dưới 30 tấn, việc không kiểm soát được tải trọng của phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hư hỏng công trình, cũng như gây mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Ngoài ra, việc không tiếp tục tổ chức thu phí đã gây lãng phí trong việc quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, dẫn đến mất nguồn thu ngân sách phục vụ công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên cao tốc…

Đáng lo ngại nữa là gây rủi ro cho phương án tài chính của các đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ do tâm lý người dân đã được sử dụng miễn phí đoạn TPHCM – Trung Lương. Trong trường hợp đoạn TPHCM – Trung Lương hư hỏng mà không có kinh phí khắc phục làm giảm lượng phương tiện lưu thông trên toàn toàn tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ.

Đề xuất thu phí trở lại trên cao tốc TPHCM - Trung Lương - 2

Vụ va chạm giao thông liên hoàn gây kẹt xe trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, đoạn qua huyện Châu Thành, Tiền Giang xảy ra ngày 28/4/2019 (ảnh: Nguyễn Vinh)

Do đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành đề án thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương. Việc này giúp kiểm soát chủng loại và phương tiện tham gia giao thông, tạo nguồn thu cho ngân sách và đảm bảo chi phí vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, phát huy hiệu quả tuyến cao tốc này.

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, từ khi bỏ thu phí, lượng phương tiện tham gia giao thông trên cao tốc TPHCM – Trung Lương rất lớn, đặc biệt là xe tải lớn, các phương tiện không đảm bảo tốc độ tối thiểu cũng như giới hạn tốc độ tối đa. Tình trạng này gây ra nhiều điểm ùn tắc cục bộ trên tuyến, rất nguy hiểm. Vì nhiều phương tiện chạy tốc độ trên 100 km/h nhưng cũng có nhiều phương tiện chạy dưới tốc độ tối thiểu 60 km/h. Ông Tuấn cho rằng với tình hình giao thông này sẽ rất nguy hiểm khi phương tiện chuyển làn. Do đó, ông đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra để xử lý về quy định tốc độ trên đường cao tốc.

Quốc Anh