Đề xuất thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, “hứa” không tăng biên chế (?)

(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường sẽ được kế thừa biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và các điều kiện khác để đảm bảo ổn định, tránh xáo trộn lớn, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế và đảm bảo vận hành ngay, đạt hiệu quả cao.

Lực lượng quản lý thị trường làm rõ một sự việc gần đây ở Hà Nội.
Lực lượng quản lý thị trường làm rõ một sự việc gần đây ở Hà Nội.

Dự thảo Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường do Bộ Công Thương xây dựng đang được Bộ Tư pháp thẩm định cho biết, số vụ vi phạm pháp luật do lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và xử lý không ngừng tăng lên cùng với diễn biến phức tạp của thị trường.

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng mô hình tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường hiện nay đã và đang bộc lộ những bất cập, chưa phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng Quản lý thị trường hoạt động phân tán, cắt khúc theo vùng lãnh thổ, chưa được tổ chức theo mô hình ngành dọc từ trung ương đến địa phương.

“Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô. Do vậy, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường mang tính liên tục, diễn ra hằng ngày, hằng giờ và diễn ra trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, do bộ máy tổ chức không theo ngành dọc nên hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường ở mỗi địa phương là khác nhau về mức độ, tần suất, hiệu quả... phân tán cục bộ giữa các địa phương dẫn tới chưa thực hiện ngăn chặn, giải quyết được các diễn biến đột xuất, phức tạp của thị trường hàng hóa và để lại hậu quả, tác động tiêu cực”- Bộ Công Thương nhận định.

Hơn nữa, khoản 14 Điều 3 Nghị định số 98/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đã cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ này.

Nếu như trước đây hệ thống tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường có 64 đầu mối (Cục Quản lý thị trường và 63 Chi cục Quản lý thị trường) thì tới đây có thể sẽ thu gọn thành một đầu mối là Tổng cục Quản lý thị trường nhằm khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính trong chỉ đạo điều hành.

Trong đó, tổ chức bộ máy ở trung ương trên cơ sở tổ chức lại Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương theo hướng vừa là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về công tác quản lý thị trường trên phạm vi cả nước, vừa là tổ chức chỉ đạo thống nhất việc thực thi pháp luật về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ trên thị trường…

Không quá 4 Phó Tổng cục trưởng

Tờ trình của Bộ Công Thương đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường bao gồm các đơn vị: Văn phòng Tổng cục; Vụ Tổ chức - Xây dựng lực lượng; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách Pháp chế; Vụ Tổng hợp và Đối ngoại; Vụ Kiểm tra, giải quyế khiếu nại, tố cáo; Cục Chống buôn lậu; Cục Chống hàng giả; Cục Kiểm soát chất lượng hàng hóa; Trung tâm Truyền thông và Đào tạo quản lý thị trường (đơn vị sự nghiệp công lập).

Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường có 3 đơn vị trực thuộc gồm: Phòng Hành chính -Quản trị, Phòng Thông tin tuyên truyền và Phòng Kế toán.

Cục Chống buôn lậu, Cục Chống hàng giả, Cục Kiểm soát chất lượng hàng hóa có 3 đơn vị trực thuộc gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Tham mưu nghiệp vụ và Đội Quản lý thị trường.

Ngoài ra, tổ chức Quản lý thị trường ở địa phương gồm các Cục Quản lý thị trường tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.

Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh có các đơn vị: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp; Phòng Thanh tra - Pháp chế. Đối với Hà Nội, TPHCM và một số địa bàn trọng điểm số lượng phòng có thể nhiều hơn, nhưng không quá 4 phòng.

Ngoài ra có các Đội Quản lý thị trường ở các huyện, quận, thị xã, thành phố hoặc liên huyện thuộc tỉnh và các Đội Quản lý thị trường chuyên ngành hoặc cơ động trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh.

Cục Chống buôn lậu, Cục Chống hàng giả, Cục Kiểm soát chất lượng hàng hóa, Trung tâm Truyền thông và Đào tạo quản lý thị trường, các Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và các Đội Quản lý thị trường có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, trụ sở làm việc và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Việc thành lập, sáp nhập, giải thể Đội Quản lý thị trường và đơn vị tương đương thuộc Tổng cục do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định.

Tổng cục Quản lý thị trường có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.

“Kế thừa biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và các điều kiện bảo đảm khác cho hệ thống tổ chức hiện nay của lực lượng Quản lý thị trường đảm bảo ổn định, tránh xáo trộn lớn, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế và đảm bảo vận hành ngay, đạt hiệu quả cao”- dự thảo tờ trình của Bộ Công Thương cam kết.

Thế Kha