Nghệ An:

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng nứt núi Thành

(Dân trí) - Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, Viện Vật lý địa cầu đã xác định được nguyên nhân gây nứt núi Thành (Hưng Phú, Hưng Nguyên, Nghệ An) và đưa ra những giải pháp khắc phục.

Khu vực khảo sát có cấu trúc địa chất tương đối phức tạp thuộc đá trầm tích hệ tầng La Khê, thuận lợi cho việc hình thành các vết nứt nẻ. Lớp đất đá trầm tích bở rời phân bố ở sườn núi, thung lũng ven chân núi có mức độ gắn kết yếu, khả năng thẫm nước tốt, dễ sập lở khi khai đào.

 

Hiện tượng nứt nẻ trên núi và sườn núi Thành dọc theo dải song song với đường đê Tả Lam trong khu vực nghiên cứu khảo sát có phương gần trùng với đường đê là điểm nứt nẻ cục bộ có nguyên nhân ngoại sinh.

Qua quá trình khảo sát đã tìm ra những nguyên nhân của hiện tượng nứt núi như đã dự đoán từ trước đó: Việc khai thác đất làm mất chân. Trên bề mặt có lớp phủ Đệ tứ bở rời với thành phần vật chất chủ yếu là cát, sét có lẫn mảnh đá silic thẩm thấu nước dễ bị nhão loãng. Dưới tầng đất phủ là lớp đá bị phong hoá nằm ngay trên nền đá cứng dễ gây sạt trượt với mảng lớn. Có tầng chứa nước ngầm hoặc dạng thấu kính của nước ngầm là môi trường thuận lợi cho sự vận chuyển vật chất khi có điều kiện chênh lệch về mực nước giữa các mùa trong năm. Trước đây, Nhật, Pháp đã thăm dò khai thác khoáng sản, để lại các hầm hào chằng chịt trên bề mặt và trong lòng núi.

 

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Giảng, chuyên viên Viện Vật lý địa cầu, để khắc phục hiện tượng trên cần thực hiện một số giải pháp sau: Trước hết phải sơ tán dân, bảo đảm công tác an toàn, bảo vệ tài sản cho các hộ dưới chân núi. Thực hiện công tác an toàn bằng việc tạo bờ ngăn cách bảo vệ như đóng cọc thép chữ I300 và xếp rọ đá dọc tuyến đường hồ Thình rộng 2m, cao 1,5 m. Tạm thời đình chỉ hoạt động khai thác vận chuyện khoáng sản trong khu vực núi đối với công ty Bắc Sơn.

 

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng nứt núi Thành - 1

Việc khai thác dưới chân núi là một phần nguyên nhân gây nứt núi.
 

Mở đường công vụ về phía Đông để máy móc thiết bị thi công hoạt động an toàn. Phải thi công từ trên đỉnh xuống chân núi, từ trong ra ngoài. Thi công giật cấp, tạo ta luy dương góc 450 theo đường đồng mức với diện tích khoảng 3,5 - 4 ha.

 

Trồng cây xanh bằng các giống cây bản địa, như cây keo phụ trợ, tạo các thảm cỏ, thảm thực vật trên bề mặt và ta luy dương của khu vực giật cấp nhằm chống xói mòn, sạt lở gắn với tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực di tích Lam thành.

 

Đồng thời nạo vét bùn, đắp hồ Thình, xây dựng hệ thống thoát nước bằng cách chia thoát nước cho từng triền, khe núi, không được thoát nước tập trung và tạo hồ nước ở chân núi.

 

Tổ chức quan trắc thường xuyên mực nước ngầm, độ dẫn điện của nước, nhiệt độ của nước trong các giếng khoan, đào định kỳ làm cơ sở cho công tác dự báo biến động môi trường nước liên quan giữa sự vận động của nước ngầm với tốc độ nứt nẻ trên mặt và sườn núi.

Duy Tuyên - Nguyễn Duy