Bạc Liêu:

Đề xuất chưa khen thưởng tập thể, cá nhân đang bị khiếu nại, tố cáo

(Dân trí) - Quy chế được đề xuất là chưa khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân trong thời gian đang bị thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh…

Ban thi đua - khen thưởng tỉnh Bạc Liêu vừa đưa ra dự thảo Quy chế thi đua, khen thưởng mới nhất của tỉnh để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp theo quy định trong quy chế.

Theo đó, dự thảo Quy chế thi đua, khen thưởng mà tỉnh Bạc Liêu đưa ra lấy ý kiến có khoảng 6 chương, với 29 điều.

Trong đó, có một số nội dung, như: Tổ chức thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn xét khen thưởng; thẩm quyền quyết định, trao tặng, hồ sơ, thủ tục, thời gian xét đề nghị khen thưởng; hội đồng thi đua, khen thưởng và hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học các cấp; mức thưởng và quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng…

Đối tượng áp dụng khen thưởng trong Quy chế này là tập thể, cá nhân trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân, nông dân, các hộ gia đình; người dân trong, ngoài tỉnh, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài đều có quyền tham gia các phong trào thi đua của tỉnh… đạt được thành tích tiêu biểu, xuất sắc hoặc có những đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Bạc Liêu.

Đề xuất chưa khen thưởng tập thể, cá nhân đang bị khiếu nại, tố cáo - 1

Bạc Liêu đang đưa ra dự thảo Quy chế khen thưởng để lấy ý kiến, với một số nội dung được cho là "chặt hơn" trong công tác khen thưởng. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý trong dự thảo Quy chế thi đua, khen thưởng này là nguyên tắc khen thưởng. Dự thảo đưa ra việc khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn.

Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu (công nhân, nông dân, chiến sĩ) và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, học tập, công tác.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương khi xét thi đua theo chuyên đề, khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng thì tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý (có hưởng phụ cấp chức vụ) không được quá 40% tổng số cá nhân đề nghị khen thưởng.

“Chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ. Cơ quan, địa phương, đơn vị có người đứng đầu đang bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên…”, dự thảo quy chế đưa ra lấy ý kiến.

Khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.

Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung…

Dự thảo cũng đưa ra đề nghị quan tâm khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cá nhân thực hiện nhiệm vụ; tránh trường hợp tập trung khen thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh mà ít khen cho đơn vị trực thuộc.

Việc khen thưởng cho nhân dân căn cứ vào mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định (mô hình hiệu quả trong 1 năm do xã công nhận, 2 năm trở lên do huyện công nhận) và việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua của địa phương giúp đỡ nhiều hộ dân thoát nghèo và tạo việc làm cho người lao động…

Huỳnh Hải