Đề nghị Lào làm rõ việc dừng xem xét đầu tư xây dựng thủy điện mới

(Dân trí) - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình tham vấn cho Dự án thuỷ điện Pắc Lay (Lào) có vai trò rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh xảy ra sự cố vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu vào tháng 7 vừa qua, gây nhiều tổn thất đối với con người và tài sản.

Người dân trèo lên nóc nhà chờ lực lượng cứu hộ sau khi đập thủy điện vỡ gây lũ lớn ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào. Ảnh: Attapeu Today.
Người dân trèo lên nóc nhà chờ lực lượng cứu hộ sau khi đập thủy điện vỡ gây lũ lớn ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào. Ảnh: Attapeu Today.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vừa qua Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã gửi thư đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay.

Căn cứ thông báo và các tài liệu của Lào về Dự án thủy điện Pắc Lay, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện Pắc Lay từ ngày 8/8/2018 theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công (năm 1995) và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Pắc Lay là công trình thủy điện thứ tư của Lào trên dòng chính sông Mê Công (sau Xayabury, Đôn Sa-hông và Pắc Beng) nằm ở tỉnh Xayabury, vùng bắc Lào và cách đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (biên giới giữa Việt Nam và Campuchia) khoảng 1.615 km.

Lượng điện do công trình thủy điện Pắc Lay sản xuất ra dự kiến phần lớn sẽ bán cho Thái Lan (85%) và phần còn lại (15%) Lào sẽ sử dụng.

Theo quy định, sau giai đoạn tham vấn đầu ít nhất trong 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế sẽ nhóm họp để xem xét kết quả các vùng tham vấn quốc gia và vùng, tư kiến chính thức của các quốc gia thành viên nhằm đánh giá kết quả tham vấn. Tiến tới thống nhất một Tuyên bố chung của Ủy hội về các kế hoạch thực hiện tiếp theo cho thời gian tới.

Các hoạt động tham vấn của Việt Nam trong thời gian tới về Dự án thuỷ điện Pắc Lay do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì sẽ được thực hiện từ tháng 8/2018 đến tháng 2/2019. Các công việc bao gồm: đánh giá tác động sơ bộ của Dự án thủy điện Pắc Lay, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về Dự án Pắc Lay do Lào nộp và Báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký Uỷ hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị; tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị ý kiến của Việt Nam trong tham gia tham vấn vùng và Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (Ảnh: Bộ TNMT).
Hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (Ảnh: Bộ TNMT).

“Đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công, mối quan tâm của Việt Nam không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thuỷ điện dòng chính, của phát triển thuỷ điện thượng nguồn sông Mê Công và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long”- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Theo Bộ này, mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam thông qua việc ban hành Nghị quyết 120/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh các thách thức đối với đồng bằng sông Cửu Long và yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mê Công vì sự thịnh vượng chung của khu vực.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đối với các dự án thuỷ điện đã được tham vấn trước đây, các chủ đầu tư thường chỉ tập trung vào thiết kế công trình mà ít chú ý đến đánh giá tác động (đặc biệt là các tác động xuyên biên giới), quan trắc theo dõi, nghiên cứu đánh giá, tham vấn cộng đồng…

Tuy nhiên, từ tham vấn Dự án thủy điện Pắc Beng, các quốc gia thành viên đã thống nhất giao Ban Thư ký Uỷ hội giúp Chính phủ Lào trong các hoạt động nói trên và tiếp tục như vậy đối với Dự án thủy điện Pắc Lay.

Quá trình tham vấn cho Dự án thuỷ điện Pắc Lay có vai trò rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh xảy ra sự cố vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu của Lào, gây nhiều tổn thất đối với con người và tài sản.

“Do vậy, các quốc gia trong Uỷ hội cũng đã bày tỏ quan ngại về tiêu chuẩn thiết kế và quá trình kiểm soát an toàn đập mà Lào áp dụng. Các quốc gia cũng đề nghị Lào làm rõ quyết định của Chính phủ về việc tạm dừng xem xét đầu tư xây dựng thủy điện mới”- thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Thế Kha