ĐBSCL sạt lở nghiêm trọng: Cần những giải pháp bền vững

(Dân trí) - Cần phải có những giải pháp quyết liệt ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế mỗi năm mất vài trăm ha đất để nhằm khôi phục nhanh chóng, bền vững cho vùng ĐBSCL.

Ngày 9/4, tại tỉnh Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo về “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL”.

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, ĐBSCL ở vùng hạ lưu châu thổ sông Mê Kông, có diện tích khoảng 3,96 triệu ha, dân số gần 20 triệu người; có hệ thống sông, kênh rạch dày đặc cùng với đường bờ biển dài 770km, thuận lợi lớn trong phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, khu vực này đã và đang đứng trước những thách thức không nhỏ của thiên tai, trong đó có sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Qua thống kê của các địa phương, vùng ĐBSCL hiện có 526 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài gần 800km; trong đó có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài 164 km.

ĐBSCL sạt lở nghiêm trọng: Cần những giải pháp bền vững - 1

Bờ đê biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) bị sạt lở vừa qua.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng, những năm qua Trung ương, các tổ chức quốc tế và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển.

Trong năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hằng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và 36 triệu USD từ dự án WB, ADB;…

Ông Trần Quang Hoài- Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, đã cho công bố bảng đồ sạt lở trên trang website của Tổng cục, các địa phương và người dân có thể thường xuyên cập nhật, nắm được tình hình diễn biến sạt lở và có giải pháp phù hợp cho địa phương, gia đình mình tránh được những nguy cơ đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách, nên kết quả đạt được đến nay chưa cao. Một số giải pháp kỹ thuật nếu không được điều chỉnh kịp thời có thể gây mất ổn định công trình, lãng phí trong đầu tư.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nói về tình hình sạt lở vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Long Hoai- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, trong các tỉnh, thành ĐBSCL, tỉnh Cà Mau có hiện tượng sạt lở bờ biển ảnh hưởng nặng nề nhất. “Hiện nay toàn tỉnh Cà Mau có mức độ sạt lở nguy hiểm trở lên là 150km, trong đó có 65km rất nguy hiểm. Tỉnh này đang cần nhu cầu vốn hàng trăm tỷ đồng để xử lý”, ông Hoai thông tin.

Theo ông Hoai, về biến đổi khí hậu (BĐKH), quy luật trước đây Cà Mau là tỉnh có 6 tháng nắng, 6 tháng mưa rõ rệt. Tuy nhiên, những năm gần đây, quy luật này không còn giữ được nữa. “Mùa nắng hạn, xâm nhập mặn,… kéo dài từ 7-8 tháng; trái lại mùa mưa thì mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày, kết hợp triều cường gây ngập úng và xảy ra lốc xoáy, sấm sét lớn hơn. Chỉ trong giai đoạn 2014 - 2016, tỉnh thiệt hại do thiên tai là 1.500 tỷ đồng”, ông Hoai nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- ông Lê Văn Sử cho biết, vừa qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác ứng phó BĐKH, tình trạng sạt lở ven sông, biển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.

“Như nguồn vốn đầu tư trong thời gia qua, Trung ương, địa phương cũng đã quan tâm ưu tiên bố trí, song thực tế có thể thấy nguồn lực này nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể đảm bảo được nhu cầu đặt ra”, ông Sử nêu một khó khăn của địa phương.

ĐBSCL sạt lở nghiêm trọng: Cần những giải pháp bền vững - 2

Một vụ sạt lở bờ sông gây thiệt hại nhà cửa ở Cà Mau vừa qua. (Ảnh: CTV)

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp, ông Võ Thành Ngoan- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ năm 2005 - 2018, tỉnh có hơn 100km đường bờ sông Tiền bị xói lở, với hơn 322ha đất bị mất; thiệt hại ước tính gần 400 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 6.000 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở cần phải di dời đến nơi an toàn.

Theo ông Ngoan, nguyên nhân sạt lở ngoài tác động của dòng chảy còn do hoạt động của con người như khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép,… Hơn nữa, BĐKH và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng có những tác động đến quá trình sạt lở.

ĐBSCL sạt lở nghiêm trọng: Cần những giải pháp bền vững - 3

Ông Võ Thành Ngoan- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị đầu tư chương trình hỗ trợ sinh kế và việc làm cho người dân vùng sạt lở khi di dời vào cụm tuyến dân cư để giúp dân giảm bớt khó khăn.

Phó Giám đốc Sở NNN&PTNT Đồng Tháp cũng cho rằng, tình hình sạt lở bờ sông sẽ còn diễn biến phức tạp, trong khi đó nguồn kinh phí cho công tác di dời dân, đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở còn rất hạn chế nên tỉnh gặp không ít khó khăn để ứng phó.

“Một số hộ dân vùng sạt lở có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và còn e ngại khi về nơi tái định cư do không thuận lợi cho việc mưu sinh hàng ngày. Do đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư chương trình hỗ trợ sinh kế và việc làm cho người dân vùng sạt lở di dời vào cụm tuyến này nhằm giúp người dân giảm bớt khó khăn”, ông Ngoan kiến nghị.

ĐBSCL sạt lở nghiêm trọng: Cần những giải pháp bền vững - 4

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, nếu không sớm có những giải pháp bền vững phòng, chống sạt lở thì rất gay go cho vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, ĐBSCL là một vùng cư trú trên 20 triệu dân, vùng đặc sắc về sinh thái nhưng đang bị tác động rất nặng nề của BĐKH nên tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Với hàng trăm vị trí sạt lở, dài hàng trăm km, có nhiều điểm đặc biệt nguy hiểm, nếu không xử lý sớm thì hết sức gay go. Việc này không chỉ bảo vệ đất mà còn bảo vệ cả hệ sinh thái vùng.

Do đó, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: “Không chỉ là cần những giải pháp kỹ thuật, bền vững mà còn cả giải pháp về nguồn lực đầu tư từ Trung ương đến địa phương để nhanh chóng khôi phục, hạn chế mỗi năm mất vài trăm ha đất, chứ nếu cứ để tình hình này mãi thì chắc chắc ĐBSCL khó khôi phục được”.

Huỳnh Hải