1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBSCL "quay cuồng" vì triều cường lịch sử

(Dân trí) - Mấy ngày qua, triều cường dâng cao cùng nước lũ đổ về hạ nguồn đã gây ngập úng, sạt lở, vỡ nhiều tuyến đê bao tại một số tỉnh, thành ĐBSCL, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

TP Cần Thơ mấy ngày qua bị ngập nhiều nơi. Theo ghi nhận của PV Dân trí, từ ngày 20 - 22/10, hàng chục tuyến đường ở quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy,... ngập sâu 60 -70 cm.

Bà Nguyễn Thị Nga sống trên đường 3/2, thở dài: “Hôm nay đã là ngày thứ 3 cả nhà tôi mất ăn mất ngủ vì lũ tấn công. Ai mà làm rớt một ổ điện xuống nước thì chết cả hẻm luôn chứ chẳng chơi!”. Cũng theo bà Nga, nhiều hộ đã phải tạm chuyển nhà đi nơi khác. Học sinh sinh viên ngày nào cũng phải “bơi” trong lũ đến trường.

“Lũ thành phố” còn tấn công vào cả trụ sở UBND TP Cần Thơ. Đỉnh điểm triều cường rơi vào giờ tan ca của công nhân khiến hàng ngàn người và phương tiện mắc kẹt trên đường, giao thông bị ùn tắc cục bộ.

Những ngày qua, Ban Chỉ uy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ đã tổ chức kiểm tra và gia cố các đê, kè xung yếu đang bị đe dọa bởi lũ đầu nguồn và triều cường.
 
Đường phố Cần Thơ tối 21/10 bị triều cường dâng cao như sông (Ảnh: Phạm Tâm)
Đường phố Cần Thơ tối 21/10 bị triều cường dâng cao như sông (Ảnh: Phạm Tâm)

Nước trên sông Hậu ngày 21/10 đã vượt lên xấp xỉ mức 2,2m, tức trên mức báo động III gần 0,3 m. Ở huyện Vĩnh Thạnh bị vỡ đê và chính quyền tổ chức bơm nước tràn qua đê bao để cứu lúa vụ ba sắp thu hoạch và bảo vệ ao cá. Huyện Phong Điền, các xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Mỹ Khánh, Trường Long bị nước tràn qua đê bao và cầm chân trong hàng trăm ha vườn suốt mấy ngày nay. Hiện chưa thể tính được mức thiệt hại.

Tại cồn Khương thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, sáng 21/10 nước đã tràn qua đê bao bảo vệ cồn Khương, gây nguy cơ sạt lở đê rất cao. UBND quận Bình Thủy đã huy động quân đội, dân quân tự vệ... đắp đê cao thêm 0,5m với chiều dài 1km. UB quận cũng đã bố trí lực lượng trực nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vỡ đê.

Nhiều xe mô tô chết máy

Nhiều hẻm bị ngập sâu đến 0,7m

(Ảnh: Lương Thủy)
Lũ tấn công đường Thủ Khoa Huân

Một đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai bị ngập sâu như thế này.

Một đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai ngập sâu, thành nơi cho trẻ ra nghịch nước (Ảnh: Nguyễn Hành)
 
Thông tin từ ngành chức năng tỉnh Trà Vinh, đợt triều cường cùng sóng to trong 2 ngày qua đã làm sạt lở hơn 3.000m bờ đê tại một số xã thuộc huyện Duyên Hải. Trong đó, có hơn 400m tuyến đê bao tại xã Trường Long Hòa và 1.000m đê bao tại xã Dân Thành đang bị sạt lở nghiêm trọng uy hiếp hàng chục hộ dân sống bên trong đê.

Nhiều tuyến đê biển ở Trà Vinh bị sóng biển uy hiếp. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Nhiều tuyến đê biển ở Trà Vinh bị sóng biển uy hiếp. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Tại Hậu Giang, ngành chức năng huyện Châu Thành cho hay, triều cường dâng cao đã làm tràn, vỡ một số con đê ngăn bờ bao vườn cây trồng của nhiều hộ dân. Tại thị trấn Ngã Sáu, một đoạn đê dài hơn 10m bị vỡ gây ngập úng nhiều diện tích cây trồng, hoa màu của hàng chục hộ dân.

Huyện Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang cũng đang tất bật ứng phó với triều cường khi mấy ngày qua nước dâng cao gây ngập hơn 1.000ha mía đang trong thời kỳ thu hoạch của người dân.

  Thu hoạch lúa ngập tại Hậu Giang.
  Thu hoạch lúa ngập tại Hậu Giang.

Tỉnh Sóc Trăng, chính quyền địa phương huyện Cù Lao Dung cho hay, triều cường đã gây sạt lở, vỡ đê bao với chiều dài hơn 100m gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu của người dân ở các xã An Thạnh Nam, An Thạnh 3…

Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung cho biết, sau khi phát hiện đê bao vỡ, ngành chức năng huyện đã huy động lực lượng gia cố kịp thời để bảo vệ nhà dân và hoa màu. Tuy nhiên, do một số vùng nằm ven biển và sông nên mực nước liên tục dâng cao khiến việc gia cố đê cũng gặp nhiều khó khăn.

Triều cường lịch sử trong vòng 50 năm qua

Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, đây là trận triều cường đạt mức đỉnh lịch sử trong vòng 50 năm qua ở ĐBSCL. Lũ kết hợp triều cường vì thế càng gây ngập nặng. Sáng ngày 22/10, nhiều nơi trên sông Tiền và sông Hậu, đỉnh lũ đã vượt mức báo động 3. Người dân ở đầu nguồn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã có kinh nghiệm đối phó và hối hả đón lũ.
Các đô thị ở hạ nguồn sông Mekong và vùng ven gần các sông tiếp giáp với các cửa biển ngập nặng do nước lũ tràn về kết hợp triều cường.
 
 
Thời tiết đặc thù của ĐBSCL thường chịu tác động nặng khi ba yếu tố mưa, lũ, triều cường cùng kết hợp. Đây là 3 yếu tố cản trở các công trình thoát lũ trong thời điểm cục bộ. Cùng với việc các địa phương trong vùng gia tăng làm đê bao kiên cố vùng sản xuất nông nghiệp và tình trạng bê tông hóa ở các đô thị làm cho nạn ngập theo triều cường vào buổi sáng và buổi chiều gia tăng mạnh ở các đô thị như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và một phần Sóc Trăng.

An Giang và Đồng Tháp đều đang phát đi những thông tin khẩn để đối phó với tình trạng sạt lở. Trong đó, Đồng Tháp có hàng trăm điểm nóng thuộc 46 xã, phường, thị trấn có nguy cơ sạt lở với hơn 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng. Các “điểm đỏ” sạt lở nghiêm trọng là cù lao 5 xã thuộc huyện Thanh Bình.
 

ĐBSCL cũng quay cuồng vì triều cường, lũ lụt

Một người dân ở huyện Đồng Tháp khi qua đời được con cháu chôn theo kiểu này để tránh lũ (Ảnh: Cao Phong)
 

Tại An Giang, có 45 điểm rơi vào tình trạng sạt lở cao, trong đó, 4 đoạn bờ sông được cảnh báo ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm. Những điểm sạt lở này đặt 3.200 hộ dân vào khu vực bị đe dọa và hàng trăm hộ cần di dời. Tình trạng ngập lụt cục bộ ở các đô thị đã tác động rất lớn đến sinh hoạt, mưu sinh của hàng trăm ngàn người dân. Trong đó, dễ thấy nhất là ách tắc giao thông, các điểm mua bán ế ẩm, xáo trộn sinh hoạt, công trình hạ tầng mau xuống cấp… Nước ngập trên diện rộng cũng khiến nhiều người bị rắn độc cắn.
 

Chỉ tính từ tháng 9/2013 đến nay, các bệnh viện ở ĐBSCL đã ghi nhận ít nhất 50 người dân ở An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang bị rắn cắn, trong đó có nhiều ca do rắn hổ cắn. Nguyên nhân là do nước ngập trên diện rộng, rắn độc thường tìm gò cao trú ẩn, người dân dẫm phải bị rắn cắn.
 

Cái khó của nhiều địa phương là lũ rút chậm, đến khoảng giữa cuối tháng 10. Lũ ngâm lâu sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc thu hoạch lúa Thu đông và chuẩn bị cho vụ Đông Xuân. Vấn đề hiện nay là tìm quỹ đất để di dời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Riêng các đô thị lớn như Cần Thơ – An Giang, nơi được xem là nơi trọng điểm sớm có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ngập lụt do triều cường đang kéo dài.


Nhóm phóng viên