Dạy áp đặt, học sinh lười khám phá

(Dân trí) - Việc học từ phổ thông đến đại học còn nặng “rót” kiến thức, lý thuyết từ người thấy xuống người học, thiếu thực hành dẫn đến thực trạng học trò học nhiều, quá tải nhưng lại lười khám phá, sáng tạo.

Thực tế này được nhiều nhà giáo thừa nhận tại Hội thảo “Phát triển khả năng khám phá - nghiên cứu khoa học cho học sinh, hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” vừa diễn ra tại TPHCM.

“Học trò hay hỏi, ông thầy khó chịu lắm!”

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó GĐ ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, chương trình giáo dục hiện nay tập trung định hướng khoảng gần 1 triệu học sinh (HS) lớp 12 mỗi năm tham gia thi tuyển vào ĐH, CĐ.

Theo logic, nếu chọn ĐH thì HS phải có khả năng khám phá và có tố chất nghiên cứu khoa học. Nhưng thực tế, chương trình đào tạo của bậc phổ thông quá nặng về lý thuyết hàn lâm, yếu thực hành thí nghiệm. Các yếu tố trên không được phát triển, nhiều trường ĐH lại trở thành “chương trình đào tạo cấp 4”, thầy đọc - trò chép, người học không có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, không đáp ứng được yêu cầu xã hội.

Dạy áp đặt, học sinh lười khám phá
Chương trình học, phương pháp giảng dạy tập trung cho mục tiêu thi cử làm học trò ngại sáng tạo, khám phá.

Đứng trên bục phát biểu, ông Nghĩa chỉ tay xuống phía dưới: “Cơ cấu lớp học của chúng ta giống thế này, thầy đứng giảng, trò ngồi nghe chứ chưa theo cơ cấu lớp học xoay tròn, giáo viên (GV) ở vị trí người gợi mở, hướng dẫn để HS chủ động tìm hiểu, khám phá. Ông thầy đã quen với việc mình dạy trò nghe, lớp nào mà thầy vừa giảng, trò ngồi dưới hỏi là ông thầy khó chịu lắm”.

Cô Nguyễn Thị Bạch Vân - GV Trường THCS Nguyễn Thị Thập, Q.7, TPHCM lo ngại, liệu pháp giáo dục hiện nay thay vì giúp các em phát huy thế mạnh, sở trường của mình lại khiến các em trở thành những đứa trẻ biết vâng lời một cách mù quáng mà không biết sáng tạo, đưa ra ý kiến của mình.

"Cái hay" nằm ngoài chương trình

Hiện nay, môi trường giáo dục đã có không ít các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi lớn nhỏ khích lệ các em khám phá, tìm tòi, đưa lý thuyết, kiến thức học được ứng dụng vào cuộc sống. Đây chính là môi trường giúp các em khám phá khoa học, tiếp cận nghiên cứu khoa học.

Đáng tiếc, những hoạt động giáo dục giá trị đó lại không nằm trong chương trình chính khóa. Trong khi GV và HS đều bị áp lực, quay cuồng chạy theo chương trình, thi cử, điểm số… nên các chương trình ngoại khóa chưa được coi trọng.

Nhiều hoạt động ngoại khóa có tính giáo dục cao đang bị coi nhẹ (
Nhiều hoạt động ngoại khóa có tính giáo dục cao đang bị coi nhẹ. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM trong một hoạt động ngoại khóa

Thầy Trương Vĩnh Phương, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Q.7 chia sẻ nhiều GV xem nhẹ hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức chỉ nhằm đối phó mà không thật sự quan tâm, đầu tư chất lượng, hiệu quả. Hoạt động nghèo nàn, đơn điệu không hấp dẫn HS. 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM bày tỏ, vấn đề nằm ở nhận thức của nhiều người còn cho rằng, việc nghiên cứu khoa học đối với HS phổ thông là điều quá xa vời, thứ các em cần là nắm vững kiến thức và kỹ năng chương trình để vượt qua các kỳ thi. Ngay từ tiểu học các em đã bị hạn chế khả năng sáng tạo khi việc dạy học áp đặt, bắt HS học nhiều mà lại rất ít các hoạt động vui chơi bổ ích.

Học sinh bị hạn chế khả năng sáng tạo lại thêm vòng luẩn quẩn chính GV cũng rất hạn chế về khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Họ lấy gì để trao cho người khác thứ mà mình không có hoặc chỉ có mức hạn hẹp?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, để giáo dục toàn diện đi đúng tinh thần đổi mới là phát triển năng lực, phẩm chất của người người học cũng như phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo mỗi cá nhân đòi hỏi những giải pháp căn cơ. Đó là việc cải tiến chương trình sách giáo khoa để tránh tình trạng quá tải mà vẫn thiếu; cải thiện phương pháp giảng dạy và truyền đạt của GV, cần chú trọng hơn đến hình thức giúp HS làm việc nhóm; tăng cường các hoạt động ngoại khóa…

Hoài Nam