TPHCM:

Đầu tư 4.000 tỷ đồng xây bến xe miền Đông mới

(Dân trí) - Bến xe miền Đông mới rộng hơn 16 hecta nằm trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương. Bến xe này sẽ được xây dựng hiện đại với hệ thống nhà chờ và hệ thống thông tin phục vụ hành khách theo kiểu sân bay.

Theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, công trình gồm 4 khu chức năng. Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ (tòa nhà cao nhất 26 tầng), rộng hơn 122.000 m2 (chiếm hơn 3/4 tổng diện tích); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).

Bến xe miền Đông hiện hữu (tại quận Bình Thạnh) sẽ trở thành trung tâm vận chuyển hành khách nội đô và khu phức hợp văn phòng - khách sạn khi có bến xe miền Đông mới
Bến xe miền Đông hiện hữu (tại quận Bình Thạnh) sẽ trở thành trung tâm vận chuyển hành khách nội đô và khu phức hợp văn phòng - khách sạn khi có bến xe miền Đông mới

Tổng công ty TNHH một thành viên Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) là chủ đầu tư dự án bến xe Miền Đông mới và cũng là đơn vị lập quy hoạch. Theo Samco, bến xe Miền Đông mới là một tổng thể khu vực liên hợp nhiều công trình phục vụ đa chức năng, đáp ứng nhu cầu của hành khách và hoạt động dịch vụ của bến xe. Đây là đầu mối vận chuyển hành khách đa hướng tuyến, quy mô lớn, đáp ứng định hướng phát triển trong tương lai.

Bến xe này được xây dựng hiện đại với hệ thống nhà chờ và hệ thống thông tin phục vụ hành khách theo kiểu sân bay. Thay vì phải thuê văn phòng xung quanh bến xe như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải được bố trí trong bến xe để điều hành hoạt động xe chở khách; nắm bắt và xử lý kịp thời nhu cầu hành khách. Trong khu vực bến xe mới, ngoài hệ thống cung cấp nhiên liệu, siêu thị, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa… còn có cả trung tâm đăng kiểm xe ôtô, phục vụ không chỉ hành khách đi xe mà cả cư dân ở khu vực.

Đồng thời, Bến xe miền Đông mới sẽ kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Hành khách từ các tỉnh về đến bến xe này có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, metro để vào trung tâm thành phố hoặc các quận, huyện vùng ven thành phố và các tỉnh lân cận…

Để thực hiện dự án, Samco cho biết, sẽ xã hội hóa nguồn vốn và được huy động từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẽ được thuê trọn gói hoặc một phần diện tích khu vực kinh doanh thương mại, dịch vụ và kho trung chuyển, giao dịch hàng hóa ở bến xe mới trong thời gian nhất định với đơn giá cố định.

Chủ đầu tư cho biết thêm, để thực hiện dự án phải tiến hành đền bù và di dời 31 hộ dân và 5 doanh nghiệp, với tổng kinh phí khoảng gần 900 tỷ đồng.

Quốc Anh

Đầu tư 4.000 tỷ đồng xây bến xe miền Đông mới - 2