“Đau đầu” tìm hướng thay hàng tỷ m2 mái nhà lợp fibro ximăng

Việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất tấm lợp fibro ximăng có sử dụng sợi amiang trắng sang công nghệ sử dụng sợi thay thế PVA đẩy giá thành sản phẩm tấm lợp lên gấn 2-5 lần. Nghiên cứu được công bố của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây đưa ra những đánh giá cụ thể về khó khăn này.

Nghiên cứu của viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch & Đầu tư được công bố tại Hội thảo khoa học về sử dụng amiang trắng an toàn và có kiểm soát tổ chức cuối tháng 11 vừa qua.

Tấm lợp fibro ximăng chiếm 35% thị phần

Theo báo cáo của CIEM, amiăng trắng là một loại sợi khoáng được sử dụng tại Việt Nam, từ khoảng hơn 50 năm nay. Ngoài việc dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân lân NPK cho khoảng 500 công ty, sợi amiăng còn được dùng để sản xuất vật liệu chống ma sát cho má phanh ô tô, đệm lót, khớp ly hợp, thang máy, áo chống đạn, quần áo chống cháy, sử dụng trong hoạt động đóng và sửa chữa tàu thuỷ.

Phổ biến hơn cả trong cuộc sống, sợi amiang trắng chiếm tỷ lệ phối trộn 10% trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng (tấm lợp AC), loại vật liệu xây dựng giá rẻ, phù hợp dùng cho người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ... Theo thống kê của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, tấm lợp AC chiếm khoảng 30-35% tổng số vật liệu lợp. Tấm lợp AC cũng được sử dụng trong các chương trình tái định cư của bà con đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo nghiên cứu của CIEM, giá thành trung bình của tấm lợp AC là 50.000 đồng/m2 trong khi giá ngói đất sét nung vào khoảng 130.000 đồng/m2, ngói đất sét nung tráng men 230.000 đồng/m2, tấm lợp PVA 68.000 đồng/m2, tôn mát 185.000 đồng/m2...

Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng nêu số liệu so sánh, giá bán 1m2 tấm sóng sử dụng cốt sợi PVA của một số đơn vị cung cấp sản phẩm trên thị trường hiện chênh 41,5- 80,6% so với giá bán tấm fibro ximăng sử dụng cốt sợi amiang trắng.

Báo cáo nghiên cứu của CIEM đưa ra thống kê, thời gian sản phẩm tấm lợp AC tiêu dùng phổ biến cho đến nay là 25 năm (tính từ năm 1990) và tổng lượng tấm lợp hiện có là hơn 1.237 triệu m2. Như vậy, khoản chi phí cần thiết để thay thế toàn bộ diện tích xây dựng sử dụng tấm lợp AC bằng loại vật liệu khác sẽ rất lớn.

Một dây chuyền sản xuất tấm lợp ximăng sợi PVA.
Một dây chuyền sản xuất tấm lợp ximăng sợi PVA.

Hàng trăm tỷ đồng để thay thế

Rất nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã được tiến hành và đến nay, các đơn vị nghiên cứu chưa tìm ra được bằng chứng về khả năng gây ung thư phổi và ung thư trung biểu mô của amiang trắng nếu được sử dụng trong điều kiện có kiểm soát.

Tại Việt Nam, nghiên cứu hồi cứu tại cộng đồng của Bộ Y tế tiến hành trong năm 2009 – 2011 ghi nhận 447 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ liên quan đến amiăng vào nhập viện, 46 trường hợp trong số đó được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi nhưng không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng trắng.

Tuy nhiên, trước những thông tin gây hoang mang về việc amiăng trắng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng dẫn tới quyết định loại bỏ loại vật liệu này vào năm 2020 thì việc Chính phủ cần tính toán chi phí và cân nhắc các phương án thay thế là hoàn toàn cần thiết.

Theo báo cáo của CIEM, chi phí tháo dỡ và lắp đặt sản phẩm thay thế tấm lợp fibro ximăng đang sử dụng tương đối cao. Nếu 1.237 triệu m2 mái nhà lợp bằng tấm lợp AC được thay bằng ngói đất sét nung, cả nước sẽ cần khoảng 160.000 tỷ đồng, thay bằng ngói đất sét nung tráng men sẽ cần hơn 284.000 tỷ đồng, thay bằng tấm lợp PVA cũng cần 84.000 tỷ đồng, thay bằng tôn mát cần 228.000 tỷ đồng…

Theo đó, tấm lợp PVA là sản phẩm thay thế phù hợp cho tấm lợp AC. Kết quả khảo sát của các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro ximăng hiện nay cho thấy, tổng công suất thiết kế của toàn ngành là 110 triệu m2/năm, nếu hoán cải công nghệ  của một dây chuyền này với công suất 1 triệu m2/năm sang công nghệ sản xuất tấm PVA là 3 tỷ đồng. Tổng chi phí hoán cải, theo đó, sẽ vào khoảng 330 tỷ đồng. Chi phí đào tạo lao động, chi phí trả cho người lao động cũng thêm khoảng gần 20 tỷ đồng nữa.

Mới đây nhất, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ở Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ rõ, amiăng trắng là 1 trong 6 nguyên liệu làm vật liệu xây dựng. Thực tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sử dụng ngành vật liệu xây dựng với mốc thời gian ấn định đến năm 2030 sẽ dừng việc sử dụng loại vật liệu này.

Cho đến thời điểm đó, vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với việc sản xuất sản phẩm sử dụng amiăng trắng là quy trình sản xuất an toàn. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có sự cam kết chặt chẽ, đồng bộ và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về môi trường, điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ. Chính phủ cũng yêu cầu các nhà khoa học cần có những nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá đa chiều, minh xác về sự nguy hại của amiăng trắng nếu có làm căn cứ để xây dựng chiến lược, ban hành chính sách phù hợp.

P.T