Hải Dương:

Đau đầu nghĩ cách đưa tàu 3.000 tấn ra khỏi gầm cầu bị đâm

(Dân trí) - Hơn 1 ngày sau khi tàu Thành Luân 28 trọng tải 3.000 tấn đâm vỡ dầm cầu An Thái, tỉnh Hải Dương và Bộ GTVT vẫn "đau đầu" tìm hướng giải thoát con tàu mà không làm ảnh hưởng đến cả cây cầu.


Cú đâm va mạnh của tàu Thành Luân 28 trọng tải 3.000 tấn khiến dầm cầu An Thái bị hư hỏng nặng, đe dọa sập cầu.

Cú đâm va mạnh của tàu Thành Luân 28 trọng tải 3.000 tấn khiến dầm cầu An Thái bị hư hỏng nặng, đe dọa sập cầu.

Một lãnh đạo trong đoàn công tác của Bộ GTVT cho biết, sự việc tàu Thành Luân 28 có tải trọng tới 3.000 tấn đâm va bục dầm cầu An Thái là rất nghiêm trọng. Nhiều thanh dầm sắt của cầu bị tàu đâm gây cong vênh, phá vỡ độ liên kết giữa bê tông và sắt.

tl4-1457394138161

Dầm cầu bị gãy, nhiều thanh sắt dầm cầu bị bẻ cong, phá vỡ độ liên kết bê tông cốt sắt của cầu.

Trong chiều ngày 7/3, đoàn công tác của Bộ GTVT cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương và đại diện ngành chức năng đã đến thị sát hiện trường, bàn và thống nhất biện pháp khắc phục và xử lý.

Đoàn công tác xác định, cầu An Thái bị tàu Thành Luân 28 đâm va làm hư hỏng hoàn toàn 1/4 thanh dầm cầu nên ngay trong ngày 8/3, cơ quan chức năng sẽ tiến hành quan trắc và đưa ra kết luận ban đầu về mức độ hư hỏng và ảnh hưởng đến độ an toàn của các thanh dầm còn lại cũng như mặt cầu.

tl5-1457394138182

Cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường nghiên cứu các phương án để di dời tàu Thành Luân ra khỏi gầm cầu sau vụ đâm va.

Nhiều ý kiến của đại diện cơ quan chức năng cho rằng, ở thời điểm hiện tại do vị trí đâm của tàu Thành Luân là ở giữa cầu nên mức độ thiệt hại khá nghiêm trọng, việc rút được tàu Thành Luân ra khỏi gầm cầu cũng cần tính toán kĩ vì rất có thể sẽ dẫn đến sập cầu.

Theo ý kiến của của cơ quan chức năng , dầm thép chữ I sẽ được sử dụng nhằm mục đích "cõng" toàn bộ phần mặt cầu, sau đó lực lượng chức năng sẽ tiến hành tháo, cắt phần dầm cầu bị gãy và cabin tàu HP3016 để di chuyển khỏi vị trí đâm va.

tl3-1457394138142

Hiện cơ quan điều tra đã vào cuộc xác định nguyên nhân, thiệt hại để có hình thức xử lí đối với chủ tàu Thành Luân.

Đồng thời, trên cơ sở kết quả quan trắc, cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định có nên tận dụng 3 thanh dầm và phần mặt cầu còn lại để tổ chức giao thông, phục vụ các phương tiện có trọng tải nhỏ và xe mô tô, xe đạp và người đi bộ hay không.

Tuy nhiên trước khi đưa ra các phương án cuối cùng để thực hiện việc di dời tàu Thành Luân ra khỏi vị trí đâm va, cơ quan chức năng yêu cầu chủ tàu có trách nhiệm thường xuyên bơm nước vào, ra để duy trì cao độ phù hợp của tàu, tạm thời đỡ dầm cầu. Dùng các biện pháp giữ cố định tàu theo hướng xuôi theo dòng nước và cố định tàu theo phương thẳng đứng để đảm bảo không bị vặn, lắc dầm cầu.

tl1-1457394138093

Hôm nay 8/3, lực lượng chức năng của Bộ GTVT và tỉnh Hải Dương tiếp tục tìm phương án an toàn để đưa tàu Thành Luân ra khỏi vị trí đâm va.

Hiện tại, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương và Công ty TNHH BOT 188 tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, điều tiết phân luồng đường bộ, lắp đặt biển báo phân luồng cho các phương tiện tại hai đầu tuyến đường 388.

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trước mắt tỉnh Hải Dương sẽ tạm ứng và Bộ GTVT sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để khắc phục sự cố trên.

“Hiện UBND tỉnh Hải Dương đã giao Công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc và sớm có kết luận chính thức” - ông Cương cho biết.

tl6-1457394138205

Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng tiến hành phân luồng giao thông và cấm các phương tiện lưu thông qua cầu.

Công an tỉnh Hải Dương cũng đang vào cuộc điều tra để làm rõ trách nhiệm của chủ tàu Thành Luân trong vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng này.

Trong sáng nay, 8/3, các cơ quan chức năng tiếp tục làm việc để tìm các biện pháp giải cứu tàu Thành Luân 28 ra khỏi dầm cầu An Thái.

Trước tình hình nghiêm trọng của vụ tàu thủy đâm gãy dầm cầu An Thái trên sông Kinh Thầy (Hải Dương), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện đề nghị Bộ GTVT vào cuộc, triển khai các phương án cứu hộ khắc phục hậu quả, phân tích nguyên nhân tai nạn, phân luồng tổ chức giao thông.

Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ và đường thủy qua khu vực cầu An Thái, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự xảy ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổ công tác của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương khẩn trương triển khai các phương án cứu hộ khắc phục hậu quả, phân tích nguyên nhân tai nạn, phân luồng tổ chức giao thông bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phương tiện giao thông đường bộ, thủy nội địa tham gia giao thông qua khu vực trên.

Chỉ đạo Cục đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản hướng dẫn các cảng vụ đường thủy, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện các quy định trên.

Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; tiến hành đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn giao thông tại các cầu vượt sông, kịp thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn; yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án điều tiết phân luồng, tổ chức giao thông trên đường bộ, đường thủy để hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện tham gia giao thông đường bộ và đường thủy an toàn, thuận lợi.​

Châu Như Quỳnh

Tuấn Hợp