“Đất nước lâm nguy thì không lẽ chúng ta huy động cả trẻ em ?”

(Dân trí) - “Trong trường hợp đất nước lâm nguy phải tổng động viên thì không lẽ chúng ta huy động cả trẻ em ? Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta làm một cuộc khảo sát với trẻ em cấp 3 từ 16 đến 18 tuổi có muốn làm trẻ em không thì chắc sẽ không ai đồng ý” - đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, thẳng thắn góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chiều 23/3, báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh sửa dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết đến nay vẫn còn một số ý kiến không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật thanh niên và sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể; không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.

Trên thực tế, không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và chia theo các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.

Theo ông Đào Trọng Thi, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Như vậy, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định. Hiến pháp và các bộ luật liên quan của nước ta đều quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên mới tự thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Như vậy, hệ thống pháp luật nước ta đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ với người trưởng thành đầy đủ.

Hơn nữa về mặt khoa học, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa hoàn thiện và chưa phát triển đầy đủ về não bộ, về thể chất, tinh thần, nhận thức xã hội cũng như ý thức pháp luật nên cần phải được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn về mặt pháp lý và ứng xử xã hội để các em được chăm sóc, phát triển, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại.

“Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi cũng không gây ảnh hưởng tới quy định của Luật thanh niên và Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, không xung đột với độ tuổi đoàn viên thanh niên của tổ chức này, vì “trẻ em” - “người lớn” và “thanh niên” - “thiếu niên” - “nhi đồng” là hai hệ thống khái niệm độc lập: Khái niệm “trẻ em” nằm trong sự phân biệt, tiếp nối giai đoạn với “người lớn” để chỉ mức độ trưởng thành của con người, được căn cứ trên sự phát triển sinh học như não bộ, hệ cơ, xương; khái niệm “thanh niên” nằm trong sự phân biệt với “thiếu niên”, “nhi đồng” để chỉ các nhóm trẻ em được các tổ chức xã hội thu hút và tập hợp (khi đủ tuổi được kết nạp vào Đoàn theo quy định của Điều lệ Đoàn hoặc tham gia các tổ chức khác nếu thỏa mãn quy định của tổ chức đó)”- ông Thi phân tích.

Bắt thanh niên phải quay về với thân phận trẻ em

Tuy vậy, đại biểu - luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại bày tỏ quan điểm không đồng tình khi cho rằng việc này đi ngược lại với xu thế, bắt thanh niên phải quay về với thân phận trẻ em.

“Nếu quy định như thế này thì một loạt hành vi của thanh thiếu niên ở lứa tuổi này sẽ phải tính toán lại như vấn đề kết hôn, tội phạm, giao cấu với trẻ em. Ngược lại về mặt dân sự lại hạn chế rất nhiều quyền của các em”- ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa khẳng định đã trao đổi nhiều lần với các ngành khác nhau và đều nhận được trả lời rằng, nếu điều chỉnh như dự thảo luật thì chưa biết áp dụng như thế nào với pháp luật hiện hành.

“Bản thân tôi thấy quy định này là không cần thiết, nếu như điều luật này nhằm để chăm sóc các em ở lứa tuổi này thì có nhiều cách, không cần biến họ thành trẻ em thì mới chăm sóc được”- ông Nghĩa thẳng thắn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em trong dự thảo luật.
Bà Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em trong dự thảo luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, giải trình của các bộ ngành cho rằng dự thảo Luật này không xung đột với pháp luật hiện hành là không thuyết phục.

Dẫn ra nạn tảo hôn đang xảy ra tại rất nhiều vùng miền núi, bà Lan cho rằng quy định như thế này không giải quyết được nạn tảo hôn. Ngoài ra, việc thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự sẽ gặp không ít rắc rối.

“Trong trường hợp đất nước lâm nguy, phải tổng động viên thì không lẽ chúng ta huy động cả trẻ em? Ngoài ra trẻ em có thể yêu nhau, xâm hại cũng là phạm luật thì chính sách xử lý cực kỳ rắc rối. Tôi cũng nghĩ rằng nếu chúng ta làm một cuộc khảo sát với trẻ em cấp 3 từ 16 đến 18 tuổi có muốn làm trẻ em không thì chắc sẽ không ai đồng ý” - bà Phong Lan thẳng thắn.

Thế Kha

“Đất nước lâm nguy thì không lẽ chúng ta huy động cả trẻ em ?” - 3