Đất làm sân bay Long Thành: Đã “phong tỏa” vẫn bán trao tay

(Dân trí) - Trong số 519 ha đất của 905 hộ gia đình cần thu hồi phục vụ dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, 460 trường hợp đã được đo đạc, kiểm đếm, còn 259 trường hợp chuyển nhượng, cho, tặng bằng giấy viết tay, phân chia thừa kế cho các con, rất khó xác định nguồn gốc…

Tách riêng dự án giải phóng mặt bằng mà vẫn… chậm

Báo cáo Quốc hội tình hình triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Chính phủ cho biết, để giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án, Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã bàn giao hơn 358 ha đất để triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng cho 2 khu tái định cư.

Trong phần đất còn lại của các đối tượng khác (6,14 ha) có khoảng 3 ha đất do UBND xã Lộc An và UBND xã Bình Sơn quản lý nên không tiến hành bồi thường và đã bàn giao ngay mặt bằng cho chủ đầu tư.

Hơn 3 ha đất của 22 hộ gia đình, cá nhân thuộc Phân khu III Khu tái định cư Bình Sơn đã được UBND xã Bình Sơn hoàn thành công tác xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, chuyển các phòng chuyên môn của huyện Long Thành thẩm tra. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường đang lựa chọn Tư vấn định giá để lên phương án đền bù trong năm 2019.

Đất làm sân bay Long Thành: Đã “phong tỏa” vẫn bán trao tay - 1
Khu vực dự kiến làm sân bay quốc tế Long Thành tại xã Suối Trầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Đối với đất trong phạm vi xây dựng sân bay (5.000 ha), Chính phủ thông tin, diện tích đất giai đoạn 1 (1.810 ha), gồm 519 ha của 905 hộ gia đình, đến nay đã đo đạc, kiểm đếm được 460 trường hợp (khoảng 388,35 ha, đạt tỷ lệ 75%). Số hồ sơ chuyển UBND xã Bình Sơn xác nhận nguồn gốc đất là 259 trường hợp.

Các trường hợp chưa kiểm đếm được, theo Chính phủ, là do chuyển nhượng, cho, tặng bằng giấy viết tay, chủ sử dụng đất vắng mặt hoặc không xác định địa chỉ cụ thể. UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo tổ chức đăng báo theo quy định.

Phần đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai là 1.291 ha đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm đếm. Trung tâm này cũng kiểm đếm 521 ha thuộc sở hữu của doanh nghiệp cho giai đoạn 2, 3 của dự án.

Diện tích đất còn lại (3.190 ha) là của các hộ gia đình, cá nhân cũng đang được thực hiện đo đạc. Theo đó, đối với 1.149 ha thuộc xã Suối Trầu cũ (không bao gồm đất của TCT Cao su Đồng Nai), Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã đo đạc xong toàn bộ, dự kiến hoàn thành xử lý trong tháng 10/2019. 273 ha thuộc xã Long An cũ đang thực hiện đo đạc, dự kiến hoàn thành và bàn giao hồ sơ trong tháng 10/2019.

Riêng phần đất của tổ chức, đến nay, tỉnh đã khảo sát, đo đạc, ban hành thông báo thu hồi đất và kiểm đếm xong 7/7 doanh nghiệp, 3/3 cơ sở tôn giáo, 7/7 trụ sở cơ quan. Tỉnh cũng thống nhất với các cơ sở tôn giáo địa điểm xây dựng mới và đang chỉ đạo sớm bàn giao đất để các cơ sở tôn giáo khảo sát, lập hồ sơ di dời.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh cũng kiểm đếm được 883 ngôi mộ có thân nhân, chuyển UBND Bình Sơn xác nhận hồ sơ. Các ngôi mộ còn lại, UBND xã Bình Sơn tiếp tục rà soát, lập danh sách thân nhân để tiến hành kiểm đếm.

Cuối năm 2020 bàn giao đất giai đoạn 1

Liên quan đến công tác xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, hạ tầng ngoài ranh giới sân bay, dự án giải phóng mặt bằng bao gồm 5 dự án thành phần có cấu phần xây dựng, theo quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể dự án thành phần 1 là hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An, xã Bình Sơn dự kiến khởi công vào cuối năm 2019.

Dự án thành phần 2  là các công trình xã hội Khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An và xã Bình Sơn phấn đấu khởi công vào quý II/2020.

Dự án thành phần 3, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật Phân khu III Khu dân cư, tái định cư tại xã Bình Sơn sẽ cố gắng khởi công ngay Quý I năm sau. Hiện Ban quản lý dự án  đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đang tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Cũng quý II/2020, Chính phủ đặt mục tiêu khởi công dự án thành phần 4 gồm các công trình xã hội khu dân cư, tái định cư tại xã Bình Sơn. Dự án thành phần 5 là tái lập hạ tầng ngoài ranh giới sân bay, dự kiến sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, huyện sẽ triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Nêu khó khăn trong quá trình triển khai dự án giải phóng mặt bằng, Chính phủ cho biết, mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định cấm chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa, hệ thống hạ tầng trong vùng quy hoạch song do nhu cầu cấp bách trong cuộc sống nên các hộ dân đã thực hiện chuyển nhượng bằng giấy viết tay, phân chia thừa kế cho các con, dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất.

Dẫn chứng cụ thể, báo cáo phản ánh, một số trường hợp thay đổi đối tượng thu hồi đất do chuyển nhượng, thừa kế nên phải điều chỉnh thông báo thu hồi đất. Trong khi đó một số hộ dân không chỉ được ranh đất; không đồng ý với hồ sơ kỹ thuật thửa đất do giảm diện tích. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng người dân tự chia tách, lập thành nhiều hồ sơ để cho tặng, chuyển nhượng bằng giấy viết tay, khiến chính quyền gặp khó trong việc xác định chủ sử dụng đất.

Khó khăn nữa, theo Chính phủ, do phải thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 nên việc phê duyệt các dự án thành phần bị chậm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, phần lớn diện tích đất phục vụ thi công giai đoạn 1 (1.291 ha /1.810 ha) là đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai nên việc giải phóng mặt bằng có thuận lợi nhất định. UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo tập trung ưu tiên giải phóng diện tích giai đoạn 1 để bàn cho chủ đầu tư vào cuối năm 2020.

Phương Thảo