Đập núi mò đá quý, trầy trật kiếm cơm

Đục đẽo cật lực ngày đêm, chưa thấy "lộc rừng" đâu, anh Khương đã bị một tảng đá lở đè chết. Anh chỉ là 1 trong nhiều đoàn người bỏ quê ùn ùn kéo vào các vùng núi Gia Lai dựng trại đào đá tìm cơ hội đổi đời.

Mơ đổi đời, vào núi ở

Sáng sớm, đã thấy từng tốp vài ba người đeo ba lô lặng lẽ thẳng tiến vào các khu rừng thuộc địa phận xã La Lâu (huyện Chư Prông), xã H'bông (huyện Chư Sê) và vùng dưới chân đèo Chư Sê (xã La Ke, huyện Ayun Pa)... nơi mà nhiều người dân địa phương cho là có đá quí. Tốp nào cũng lỉnh kỉnh tay xách, nách mang nhiều vật dụng, trong đó bao giờ cũng có cuốc chim, dao, rựa và... rượu. Họ dừng lại các vùng núi đá cuối nguồn các con suối, miệt mài săm soi mặt đất.

Tại khu khai thác đá vùng giáp ranh giữa hai xã H'bông và La Ke, nơi có đèo Chư Sê vắt ngang, hàng chục lán trại chằng chịt nồng nặc mùi tanh hôi của thực phẩm hư thối vứt vãi khắp nơi, vọng ra tiếng hò hét, quát tháo, chửi tục… Hàng trăm con người thất thểu đào bới, nhiều người nằm uể oải trên các sạp lán.

Cách đó chỉ vài chục mét, các sườn núi bị đục đẽo lởm chởm, nhiều hố sâu toang hoác trên vách đá; đất đá dồn lại thành đống lớn, rồi bị hất xuống các khe núi, khiến vùng đất phía dưới có thể bị san bằng chỉ sau một trận mưa nhỏ.

Các khu rừng trồng thông, trồng tràm 2-3 năm tuổi ở đây cũng không tránh được cảnh bị "tàn sát”, nhiều thân cây bị đốn trụi, thành lán ở, củi đun.

Rơ Châm Uyên, một thanh niên ở xã La Lâu, từng vào rừng đi tìm đá thạch anh nhiều lần khẳng định, một số người đã đào được đá thạch anh màu tím. Nhiều người dân trong xã kháo nhau chuyện có ông K, một người dân di cư tới đây chưa lâu đã vớ bẫm - một cục thạch anh màu tím loại tốt, bán được cả trăm triệu đồng.

Anh Uyên cũng bảo, đúng là có người đã đào trúng đá quý, nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay chứ không đông như đồn đại. Thế nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều người dân huyện Đức Cơ, Kon Chro, Đăk Đoa, TP Pleiku và nhiều tỉnh khác bỏ ruộng vườn, vào rừng đào đá.

"Ăn của người rừng, rưng rưng nước mắt"

Anh Ksor Mô (chừng 40 tuổi ở Hbông, Chư Sê), người biết rõ nhất về đá thạch anh cho biết, rất ít người "biết" nghề. Số trúng cũng có nhưng người ra về trắng tay thì rất đông. "Muốn tìm được đá phải có nghề, khi có dăm đá thì cứ theo đó mà đào. Nhiều người không biết cứ đào suốt ngày thôi!" - anh nói.

Cũng theo anh Ksor Mô thì vùng giáp ranh thuộc địa bàn hai huyện Chư Sê và Ayun Pa chỉ có đá thạch anh trắng. Khối lớn chỉ là hàng "xô". Khối nhỏ mới là hàng chất lượng, nhưng tiếc là đá bị rạn, không bán được.

Ksor Mô kể: "Tôi đi tìm đá đã nhiều năm, cũng “trúng” một ít,  nhưng không đáng kể. Hàng "xô" thì có ngày trúng cả bao tải (khoảng 10-15 kg), còn đá thạch anh chất lượng tốt thì ít gặp. Có lúc may, bán được 15- 20 triệu đồng. Khi có hàng, chỉ cần gọi điện vào Sài Gòn hay TP.Pleiku, sẽ có người đến nhận hàng...

Nhưng trong hàng ngàn người dồn về Gia Lai đào đá, người được "lộc rừng" như Ksor Mô chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Theo anh  Rơ Châm Uyên, chỉ vài người sau nhiều tháng đi rừng kiếm được vài chục triệu đồng để tậu xe máy, có thêm tiền xây nhà...

Một số người "trúng" đá thạch anh nhưng thuộc hàng "xô", bán 50.000 đồng/kg, chỉ đủ kiếm cơm. Số đông, sau một thời gian cơm đùm gạo bới đành thất thểu "lui quân" trong đói khổ, bệnh tật.

Trong trạng thái bơ phờ, mệt mỏi sau gần một ngày cật lực đào và đập những tảng đá lớn để tìm đá quý, anh Nguyễn Trần Sơn cho biết: “Nghe đồn ở đây có nhiều có nhiều đá quý, 4 anh em chúng tôi từ Trà Bá (TP Pleiku) đến dựng  trại. Nhưng tìm kiếm gần tháng nay mà chẳng thấy đá quý đâu. Ăn uống kham khổ nên 1 người bị ốm, không đi lại được. Giờ chỉ mong gặp chút “vận may” để kiếm ít tiền đong gạo, mua thuốc cho bạn trở về mạnh khoẻ".

Còn anh Khương (ở huyện Chư Sê), cùng hai người khác lặn lội hơn 30km đến H'bông tìm đá. Cả ba người giăng bạt, đào cật lực từ sáng đến tối mịt. "Lộc rừng" chưa thấy đâu mà tai hoạ đã ập xuống. Một tảng đá lở rơi xuống đầu anh Khương. Khi mọi người vần được tảng đá ra thì anh đã bị gãy cổ, dập đầu. Sau cái chết thương tâm của anh Khương, nhóm bạn tìm đá trở về quê, bỏ lại rừng giấc mộng đổi đời.

Già làng Ksor Vênh - người dân tộc Jơ rai ở xã H’bông (huyện Chư Sê) xót xa: "Ngày trước, dân trong làng đi làm rẫy vùng gần núi nhặt được một số hòn đá rất đẹp, đem về xuôi đổi lấy muối… Hoá ra là đá thạch anh khiến ngày nay nhiều người bỏ quê, tranh nhau vào rừng đào bới, thậm chí bỏ xác chốn này".

Để hạn chế thiệt hại cho những người ôm khát vọng đổi đời nhờ đá quý, chính quyền địa phương đã nhiều lần vào tận rừng vận động, khuyên can. Đến nay dân đào đá đã giảm, trật tự, trị an bước đầu được thiết lập. Tuy nhiên, theo nhiều người dân Gia Lai, các buôn làng vẫn nhỏ to chuyện tìm đá quí; nhiều người vẫn giữ ý định đi kiếm tìm. Tư thương từ Pleiku, Sài Gòn... vẫn "cài" "tay chân" tại các "điểm nóng đá quý" để thu mua ngay sản phẩm còn đá lấm lem bụi đất.

Thế là "cơn lốc" đá quý vẫn ngày ngày cuốn đi các cư dân mới, không chỉ của Gia Lai...

Theo Hân Minh
VietNamnet