Chủ tịch Quảng Nam:

Đảo cát kỳ lạ đã có từ lâu nhưng mới nổi hơn 1 năm nay

(Dân trí) - Đề cập đến đảo cát hình thành ngoài khơi khiến dư luận xôn xao trong thời gian gần đây, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam khẳng định, cồn cát đã xuất hiện từ lâu nhưng đến tháng 2/2018 mới nổi lên mặt nước. Đặc biệt, từ tháng 2/2019, tốc độ bồi của đảo cát này bắt đầu nhanh hơn.

Trong chuyến công tác, thị sát bờ biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) ngày 25/4 của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, vấn đề xói lở và bồi lấp ở Cửa Đại diễn biến theo mùa, bắt đầu từ năm 2004 đến nay với tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 8km. Theo ông Thu, suốt hàng chục năm xói lở và bồi lấp, bờ biển Cửa Đại đã được đầu tư số tiền không nhỏ để xây dựng kè cứng, đê ngầm cách 200m và bồi cát.

Sạt lở bờ biển Cửa Đại

Đoàn công tác Quốc hội thị sát bờ biển Cửa Đại ngày 25/4

Tuy nhiên, tất cả những giải pháp chỉ mang tính tạm thời, đều không mang lại hiệu quả. Bằng chứng là chỉ trong vòng 2 năm qua, 3km bờ biển Cửa Đại đã tiếp tục sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, tỉnh đã lập phương án trình Chính phủ và xin cấp vốn đầu tư 700 tỷ đồng để triển khai thêm tuyến đê ngầm, nuôi bãi, kè bờ và nạo vét ngay ở khu vực bờ biển thuộc bãi tắm Cửa Đại.

Dự án này có tổng chiều dài khoảng 2,5km, trong đó kè mềm sẽ do TP Hội An thực hiện.

Sạt lở bờ biển Cửa Đại

Công tác phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng không hiệu quả

Báo cáo thêm với đoàn công tác Quốc hội, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề cập đến đảo cát hình thành ở ngoài khơi cách cửa biển khoảng 2 hải lý khiến dư luận xôn xao trong thời gian gần đây. Ông Thu khẳng định, cồn cát đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên đến tháng 2/2018 cồn cát mới nổi lên mặt nước. Đặc biệt, từ tháng 2/2019, tốc độ bồi của đảo cát này bắt đầu nhanh hơn.

Qua khảo sát mới đây, đảo cát đang tiếp tục phát triển theo 3 hướng Bắc (bồi diện rộng), Đông và Nam. Riêng hướng Tây thì vị trí các cọc (12 cọc tre đóng ngày 31/3) cơ bản vẫn không thay đổi so với mép nước.

Đảo cát hiện có diện tích phần nổi 13,625ha (đo đạc, tính toán từ 733 điểm bấm tọa độ); chu vi 3,649km; chiều dài (2 điểm xa nhất) 1.126m (tăng 83m về phía Bắc và Nam; chiều rộng lớn nhất 220m (tăng 20m về phía Đông, so với thời điểm quan trắc 9h ngày 31/3 là 200m); chiều cao trung bình so với mặt nước biển gần 2m.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trước tiên cần tìm hiểu nguyên nhân hình thành đảo cát ở cửa biển, nơi hạ nguồn sông Thu Bồn. Cồn cát khổng lồ này liệu có ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu thuyền hay không. Điều này cần phải nghiên cứu và có cách ứng xử đúng để tìm ra phương án tối ưu.

Vấn đề sạt lở là vấn nạn nan giải đối với tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, tỉnh Cà Mau đã triển khai công trình xây dựng 2 lớp đê ngầm chắn sóng và cho thấy hiệu quả rõ ràng.

Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, nếu được phê duyệt kinh phí đầu tư, chúng ta cần xem xét phương án xây dựng kè chắn sóng 2 lớp. Trong đó, lớp ngoài sẽ là tuyến đê ngầm nhằm giảm áp lực của sóng biển đánh vào bờ. Khi đó bờ biển sẽ được đảm bảo.

C.Bính