Đánh giá cao lời hứa của Thủ tướng, các Bộ trưởng trong chất vấn

(Dân trí) - Quốc hội đánh giá cao các cam kết, lời hứa của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phấn đấu thực hiện các mục tiêu năm 2015. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục tập trung điều hành nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn.

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 với 455/460 đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành (chiếm 91,55% tổng số đại biểu).

Nghị quyết nêu rõ việc Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay. Từ kỳ họp thứ 7 đến nay, các cơ quan cũng đã giải quyết, trả lời 2.216 kiến nghị của cử tri.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục khẩn trương giải quyết, trả lời 3.729 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 này.

“Quốc hội đánh giá cao các cam kết, lời hứa của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau” – Điều 2 Nghị quyết viết.
 
Đánh giá cao lời hứa của Thủ tướng, các Bộ trưởng trong chất vấn
Thủ tướng và 4 Bộ trưởng Công thương, Nội vụ, GTVT, LĐ,TB&XH được chọn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Tại kỳ họp này, với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Quốc hội yêu cầu trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngành Công thương cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cơ chế thị trường; trong đó, chú trọng thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo phục vụ các ngành kinh tế, nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong tổ chức thực hiện, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài, bảo đảm thu được kết quả thấy rõ trong các lĩnh vực trên từ năm 2015, tiến tới thực hiện thành công quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Quốc hội gợi ý Chính phủ có thể nghiên cứu, trình Luật về công nghiệp hỗ trợ.

Đối với yêu cầu đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại, Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo chuyển biến tích cực trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Nội dung thứ 3, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ giá điện, giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Quốc hội thống nhất yêu cầu người đứng đầu ngành khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, sớm xây dựng và triển khai đề án đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó, chức danh “hàm”.

Ngành Nội vụ nhận nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”; triển khai có hiệu quả việc thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong hoạt động công vụ.

Khắc phục hạn chế, bất cập trong việc thực hiện cơ chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp; xây dựng và hoàn thiện đề án tăng lương phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và đảm bảo lộ trình thực hiện là yêu cầu tiếp theo đổi với ngành Nội vụ.

Với Bộ trưởng GTVT Đinh La  Thăng, Quốc hội nêu nhiều chỉ tiêu cụ thể. Trước hết, ngành giao thông phải phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án mở rộng Quốc lộ 1A vào cuối năm 2015 đảm bảo chất lượng. Bộ này phải tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai thi công đường tuần tra biên giới bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị bổ yêu cầu hoàn thành cả tuyến đường Năm Căn – Đất Mũi và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) cùng với dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội không đề ra chỉ tiêu này với Bộ GTVT vì cho rằng nội dung này không nằm trong nhóm vấn đề đưa ra chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng tại kỳ họp. Hơn nữa, bên cạnh dự án Quốc lộ 1A, ngành giao thông còn nhiều dự án lớn khác cần hoàn thành sớm, đưa thêm nội dung yêu cầu này vào sẽ không phù hợp.

Quốc hội cũng yêu cầu ngành giao thông tiếp tục rà soát tiêu chí, định mức về đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông, đảm bảo phù hợp với yêu cầu công trình, dự án, tránh lãng phí. Bộ GTVT phải tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các công trình, dự án trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế và giảm suất đầu tư công trình.

Yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông được Quốc hội nhấn mạnh.

Vấn đề đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Quốc hội giao Bộ GTVT kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5% đến 10% so với năm trước trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Quốc hội cũng nhắc nhở ngành giao thông tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành giao thông vận tải để xây dựng tỷ trọng các loại hình giao thông vận tải hợp lý, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với phần đăng đàn của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, một nội dung được lưu ý là phải khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong năm 2015 về quản lý lao động người nước ngoài và cấp giấy phép lao động. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cung ứng lao động Việt Nam cho các doanh nghiệp và nhà thầu nước ngoài; quản lý chặt chẽ tổ chức, cá nhân đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Về việc thực hiện chính sách bảo hiểm với người lao động, Quốc hội nhắc người đứng đầu ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, giảm cho được nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

P.Thảo