Đang thanh tra bãi rác khổng lồ khiến người dân Hà Nội khốn khổ

(Dân trí) - Theo nguồn tin của PV Dân trí, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong bảo vệ môi trường của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa trong việc xử lý rác thải tại nhà máy đóng trên địa bàn huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Cuộc thanh tra của Tổng cục Môi trường đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa diễn ra trong thời gian 60 ngày. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào làm rõ việc chấp hành pháp luật của công ty này trong việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải.

Các vấn đề về môi trường liên quan cũng sẽ được đánh giá toàn diện khi thời gian qua báo chí liên tục phản ánh những bức xúc của người dân địa phương 2 huyện Duy Tiên (Hà Nam) và Phú Xuyên (Hà Nội) về việc bãi rác bốc mùi hôi thối, làm đảo lộn cuộc sống.

“Đây là cuộc thanh tra theo yêu cầu của UBND tỉnh Hà Nam và TP Hà Nội. Cả hai địa phương đều đề nghị Tổng cục Môi trường thanh tra nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Đến nay vẫn chưa kết thúc thời gian thanh tra”- nguồn tin từ Tổng cục Môi trường nói với PV Dân trí.

Một góc bãi rác khổng lồ của Công ty Tâm Sinh Nghĩa ở huyện Duy Tiên, Hà Nam bốc mùi hôi thối khiến người dân địa phương bức xúc suốt thời gian qua.
Một góc bãi rác khổng lồ của Công ty Tâm Sinh Nghĩa ở huyện Duy Tiên, Hà Nam bốc mùi hôi thối khiến người dân địa phương bức xúc suốt thời gian qua.

Đáng chú ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang theo dõi việc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiểm tra toàn bộ thông tin báo chí phản ánh về việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa chôn rác thải tại công trình thanh niên của Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TPHCM, trong đó có việc quan trắc chất lượng nước mặt, nước ngầm, môi trường đất…

Công ty Tâm Sinh Nghĩa là đơn vị chỉ được TPHCM giao rác để đốt, tái chế, làm phân với giá 20 USD/tấn, hoàn toàn không được chôn lấp rác. Tuy nhiên báo chí đã phát hiện hàng đoàn xe chở rác từ trong Công ty Tâm Sinh Nghĩa rồi đem ra ngoài bãi đất chôn lấp, có dấu hiệu “móc đất lên, chôn rác xuống”.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an đã vào cuộc, làm việc với một số đơn vị liên quan và đến hiện trường khu vực chôn lấp để thực hiện quy trình điều tra.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, thời gian qua UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội) liên tục có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đề nghị kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước để có biện pháp khắc phục.

Người dân sinh sống trên địa bàn hai xã Châu Can (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và xã Duy Minh (Duy Tiên, Hà Nam) bức xúc vì phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ núi rác thải khổng lồ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đóng trên đại bàn xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Bãi rác khổng lồ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa nằm ngay sát với khu dân cư và Khu công nghiệp Đồng Văn II nên không chỉ người dân hai xã Châu Can và Duy Minh phải “chịu trận” mà một số doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài cũng nhiều lần gửi đơn “kêu cứu”, kiến nghị tới chính quyền nơi đây.

Trong văn bản của Công ty TNHH Nippon Thermostat Việt Nam gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam khẳng định, rác từ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Phát bốc mùi rất nồng nặc, gây ảnh hưởng không ít cho công ty này trong quá trình hoạt động sản xuất. Chính vì thế công ty đề nghị được hỗ trợ, nhanh chóng giải quyết vấn đề này để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2012 với công suất lò đốt 20 tấn/ngày đêm. Đến tháng 6/2016, khi một nhà máy khác trên địa bàn tạm thời đóng cửa, toàn bộ số rác của nhà máy được chuyển sang nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa, nên đến nay mỗi ngày nhà máy phải xử lý khối lượng rác khổng lồ, lên đến… 180 - 200 tấn/ngày đêm.

Thế Kha