Hậu Giang:

Dân tập trung phản đối cây cầu “chặn đứng tàu thuyền”

(Dân trí) - Mấy ngày qua, nhiều người dân ở huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) kéo đến công trình cầu Tân Hiệp không cho đơn vị thi công tiếp. Lí do người dân phản đối cây cầu tiền tỷ này vì cầu xây dựng quá thấp, thuyền ghe chở nông sản không qua được.

Cầu xây xong thuyền ghe hết đường đi

Những ngày qua, hàng chục hộ dân sống 2 bên bờ kênh Tân Hiệp (thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bức xúc trước việc chính quyền địa phương xây dựng cầu Tân Hiệp (nối khu hành chính huyện Châu Thành A với trung tâm chợ Một Ngàn) nhưng độ cao thông thuyền quá thấp. Việc này khiến các phương tiện đường thủy có trọng tải vừa và lớn không thể lưu thông qua lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương.

Đỉnh điểm của vụ việc là vào ngày 7 và 8/3, các hộ dân cùng nhau đến UBND thị trấn Một Ngàn để phản đối, trình bày bức xúc và yêu cầu chính quyền địa phương, ngành chức năng, chủ đầu tư phải thay đổi thiết kế cầu Tân Hiệp phù hợp, mang lại lợi ích cho người dân.

Nhiều người dân thị trấn Một Ngàn tập trung phản ánh về việc cây cầu Tân Hiệp chặn đứng tàu thuyền của người dân lưu thông trên kênh Tân Hiệp nếu cầu được bắc xong nhịp chính
Nhiều người dân thị trấn Một Ngàn tập trung phản ánh về việc cây cầu Tân Hiệp chặn đứng tàu thuyền của người dân lưu thông trên kênh Tân Hiệp nếu cầu được bắc xong nhịp chính

Ông Võ Văn Đoàn - hộ dân bán vật liệu xây dựng ở ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn - cho biết: “Dọc bờ kênh Tân Hiệp rất nhiều người dân chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, cho thuê máy cắt lúa, máy gặt liên hợp, mua bán nông sản… Tất cả đều phụ thuộc vào phương tiện đường thủy và chỉ có con đường duy nhất là kênh Tân Hiệp để dẫn ra sông Kênh Xáng Xà No, vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành khác. Nếu cây cầu Tân Hiệp này xây xong, thuyền ghe chở vật liệu xây dựng, nông dân của bà con sẽ không còn đường nào để đi.

Bà Trần Thị Lựa – ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Ròi (có 3 máy gặt đập liên hợp) - bức xúc: “Cây cầu này được khởi công vài tháng nay rồi. Ban đầu bà con chúng tôi tưởng chính quyền bắc cầu cao để ghe thuyền giao thương thuận lợi. Ai ngờ cấu được thiết kế quá thấp, độ thông thuyền chỉ khoảng 1,2m. Với độ thông thuyền này làm sao ghe mua lúa 30-40 tấn, sà lan chở máy gặt đập liên hợp qua cầu được?".


Hiện tại cầu Tân Hiệp đã thi công xong 2 nhịp phụ, chỉ còn nhịp chính thì bị người dân phản ứng vì độ thông thuyền quá thấp

Hiện tại cầu Tân Hiệp đã thi công xong 2 nhịp phụ, chỉ còn nhịp chính thì bị người dân phản ứng vì độ thông thuyền quá thấp

Nhiều người dân có các phương tiện đường thủy chuyên vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng bức xúc và thắc mắc vì sao chính quyền xây cầu không lấy ý kiến dân trực tiếp bị ảnh hưởng? Trong khi đó, chính quyền chỉ mời những người dân sống ở thị trấn – không có phương tiện hay có nhu cầu giao thông đường thủy để lấy ý kiến?

Ông Võ Văn Cung (ấp Xáng Mới, thị trấn Một Ngàn) cho biết: “Hiện 15 công đất trồng lúa của gia đình tôi cùng nhiều diện tích lúa khác thuộc 2 bên bờ kênh Tân Hiệp đã đến thời điểm thu hoạch. Thế nhưng, khi thương lái mang ghe lớn và máy cắt đến thì không thể vào kênh được do công trình và sà lan công trình chiếm gần hết diện tích sông, họ đã trả lại tiền đặt cọc và không mua nữa vì không thể vận chuyển lúa. Giờ người dân chúng tôi chỉ mong chính quyền xem xét và có phương án thay đổi thiết kế cầu chứ không thể xây một cây cầu chỉ vì “cho có mỹ quan được””.

Theo ghi nhận của PV, cách nơi xây dựng cầu Tân Hiệp khoảng 1 km đã có 2 cây cầu khác. Đáng nói cách cầu Tân Hiệp đang thi công khoảng 300m có một cây cầu đảm bảo việc đi lại giữa thị trấn Một Ngàn và Khu hành chính huyện Châu Thành A.

Ngừng thi công cầu, tìm đường khác cho dân đi

Tại buổi tiếp xúc người dân (8/3), ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, cầu bắc qua kênh Tân Hiệp để nối liền khu hành chính huyện Châu Thành A với trung tâm thị trấn Một Ngàn, tạo điểm nhấn, mỹ quan cho thị trấn. Chủ đầu xây dựng cầu là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang (Ban QLDA ĐT&XD CTGT), còn huyện chỉ là đơn vị thụ hưởng.

Liên quan đến việc người dân phản ứng, ông Sử cho biết thêm: “Giải pháp trước mắt là huyện đã thống nhất với chủ đầu tư tạm ngưng thi công cầu Tân Hiệp và triển khai nạo vét kênh Ba Bọng (theo kế hoạch phục vụ thủy lợi của UBND huyện Châu Thành A) để có đường cho người dân lưu thông.

Trước phản ứng của người dân, chủ đầu tư đã cho ngưng thi công cầu Tân Hiệp
Trước phản ứng của người dân, chủ đầu tư đã cho ngưng thi công cầu Tân Hiệp

Ngày 9/3, PV Dân trí có buổi làm việc với ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang. Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao cầu Tân Hiệp được thiết kế quá thấp, gây cản trở giao thông đường thủy, ông Hậu cho biết: “Do đây là cây cầu phục vụ giao thông nội ô, nên cầu giao cắt đồng mức với đường. Vì thế cầu được xây dựng với tĩnh không thông thuyền (cầu không thông thuyền). Khi dân phản ứng việc tàu thuyền không qua được, trước mắt chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương cho tạm ngưng thi công cầu, tìm hướng đảm bảo việc lưu thông đường thủy cho người dân mới cho thi công trở lại”.


Người dân cho rằng: kênh Ba Bọng vừa nhỏ vừa cạn nên có nạo vét sông cũng không đáp ứng nhu cầu tàu ghe có tải trọng vừa và lớn lưu thông.

Người dân cho rằng: kênh Ba Bọng vừa nhỏ vừa cạn nên có nạo vét sông cũng không đáp ứng nhu cầu tàu ghe có tải trọng vừa và lớn lưu thông.

Theo ông Hậu, nếu kênh Ba Bọng được huyện Châu Thành A nạo vét xong, người dân có nhu cầu giao thông đường thủy sẽ theo kênh này ra kênh Xáng Xà No, thay vì đi kênh Tân Hiệp như trước đây. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, kênh Ba Bọng hẹp và cạn nên không đáp ứng được cho các tàu, ghe có tải trọng vừa và lớn như xà lan, ghe mua lúa 30-40 tấn lưu thông.

Được biết, cầu Tân Hiệp (thị trấn Một Ngàn) được xây dựng dựa trên quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hậu Giang (kí ngày 31-10-2016); chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang, với tổng mức đầu tư là 28 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương. Đến nay, đã đạt được 50% tiến độ công trình. Mục tiêu đầu tư xây dựng cầu Tân Hiệp là để hoàn thành tuyến đường trục trung tâm thị trấn Một Ngàn và tạo mỹ quan đô thị cho thị trấn.

Nguyễn Hành