TPHCM:

Dân phân loại rác, đơn vị thu gom lại... gộp chung tất cả đi chôn lấp

(Dân trí) - Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM - cho biết việc phân loại rác tại nguồn đã bắt đầu triển khai từ lâu nhưng không đạt kết quả bởi cách làm thiếu đồng bộ. “Người dân phân loại rác xong thì đơn vị thu gom lại gộp chung lên xe rồi mang đi chôn lấp nên thí điểm không thành công”, ông Thắng nói.

8.300 tấn rác mỗi ngày

Ngày 11/6, HĐND TPHCM khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 4 (kỳ họp bất thường) về chuyên đề công tác bảo vệ môi trường trong đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP - cho biết hiện nay mỗi ngày 1,9 triệu hộ dân thành phố cùng các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thải ra 8.300 tấn rác.

Trong đó, 5.300 tấn/ngày được chôn lấp tại bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh), số còn lại được chôn lấp, tái chế và đốt tại khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi). Theo tính toán, 76% lượng rác toàn thành phố được chôn lấp, gần 15% tái chế nhựa, làm phân compost và hơn 9% đốt không phát điện.

Về tổ chức thu gom rác, 40% rác do Công ty Môi trường đô thị TP và công ty công ích quận, huyện thu gom, lượng rác còn lại do lực lượng dân lập phụ trách. Lực lượng thu gom rác dân lập có 80 công ty tư nhân, 12 hợp tác xã, 2 nghiệp đoàn với 2.160 phương tiện chủ yếu là xe ba gác, xe lôi, xe lam, xe tự chế…

Theo ông Thắng, TP có 26 trạm trung chuyển và 973 điểm hẹn thu gom rác thải. Đây cũng chính là nơi gây ô nhiễm môi trường.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình xe thu gom rác cỡ nhỏ
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình xe thu gom rác cỡ nhỏ

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết việc phân loại rác tại nguồn đã bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 1998 nhưng do thực hiện không đồng bộ nên chưa đạt kết quả như mong muốn. “Người dân phân loại rác xong thì đơn vị thu gom gộp chung lên xe rồi mang đi chôn lấp nên thí điểm không thành công”, ông Thắng nói.

Thời gian gần đây, TP có triển khai thí điểm giai đoạn 2 và bước đầu đã xử lý tái chế một lượng rác đáng kể. Vì vậy, UBND TP đã phê duyệt đề án phân loại rác tại nguồn và các địa phương đang xây dựng kế hoạch triển khai.

Theo đánh giá của UBND TPHCM, chất lượng môi trường, tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện đáng kể so với yêu cầu, một số chỉ tiêu chưa đạt. Phần lớn rác được chôn lấp nên tiêu tốn nguồn tài nguyên đất và chưa giải quyết được vấn đề môi trường.

Theo kế hoạch, năm 2025 TP sẽ có 35 trạm trung chuyển rác khép kín, có hệ thống xử lý mùi hôi để phù hợp với khu vực đô thị. TP cũng xem xét đầu tư các dự án xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến.

Chấn chỉnh lực lượng thu gom rác dân lập

Tại kỳ họp, nhiều đại biểu kiến nghị TP phải nhanh chóng chấn chỉnh, cải thiện tình hình thu gom rác dân lập, nâng cao chất lượng phân loại rác tại nguồn.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (thứ hai bên phải) tham quan mô hình thiết bị hỗ trợ di chuyển thùng rác
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa (thứ hai bên phải) tham quan mô hình thiết bị hỗ trợ di chuyển thùng rác

Đại biểu Vũ Thanh Lưu cho rằng việc thu gom, xử lý chất thải phải đồng bộ mới nâng cao được vai trò khâu phân loại rác tại nguồn. Theo ông, phần lớn lượng rác đem chôn lấp thì việc phân loại rác tại nguồn không còn ý nghĩa. Thực tế này cũng dẫn đến khó khăn trong khâu tuyên truyền vận động.

Trong khi đó, đại biểu Võ Văn Tân cho rằng muốn nâng cao ý thức người dân thì ngoài việc tuyên truyền cũng phải có chế tài mạnh đối với hành vi xả rác. “Nghèo không đồng nghĩa với vô ý thức”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Tân cũng kiến nghị củng cố hệ thống thu gom rác sinh hoạt. “Hiện nay, thu gom rác dân lập rất lộn xộn, tranh giành, đánh lộn, đâm chém… Vui thì người ta đi, buồn thì không đi. Có khi cả tuần người ta không thu như vậy thì xử lý sao? Mình giao cho địa phương ký hợp đồng nhưng phải giám sát tốt và có cách xử lý”, ông Tân bức xúc.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đề nghị phải có lộ trình thay thế 2.160 xe ba gác, tự chế… bằng xe khép kín để đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom rác.

Kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM kết thúc sau hơn nửa ngày làm việc, đã thông qua Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, đến năm 2020 tỷ lệ tối đa lượng chất thải rắn thường chôn lấp là 50%, đến năm 2025 là 20%.

Quốc Anh