Thanh Hóa:

Dân nghèo “gánh”… hàng chục khoản thu

(Dân trí) - "Sổ Nam Tào" phát xuống mỗi hộ có 8 khoản thu phải nộp cho xã, 2 khoản cho hợp tác, thôn cũng thêm vô số khoản khác - người dân xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa đang phải gồng mình “gánh” hàng chục khoản thu vô lý

Thu từ xã xuống thôn

Theo phản ánh của người dân xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, liên tục trong nhiều năm qua, từ xã xuống thôn thực hiện hàng loạt khoản thu, trong đó có những khoản vô lý khiến người dân rất bất bình.

Dân nghèo cõng theo hàng chục khoản thu.
Dân nghèo "cõng" theo hàng chục khoản thu.

Chúng tôi tìm về xã Thiệu Phúc một ngày nắng nực giữa tháng 7. Bà con đang vụ làm đồng nhưng trong thôn, ngoài xóm những ngày này đang rộn ràng thu sản thuế các loại.
 
Bà Đỗ Thị Xứng (làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc) bức xúc: “Nhà có 3 sào ruộng. Vụ trước tôi đi làm ăn ở miền Nam ở nhà vẫn thu 500.000 đồng cho các khoản. Không đóng là lúc nào cũng bị "bêu" trên loa. Đi họp, không ai đồng ý, nhưng tối đến, kết quả phát trên loa lại là dân đã đồng tình".
 
Bà Xứng than, nhà có 2 bà cháu, còn 2 con đi làm ăn xa cũng vẫn phải đóng. Xã còn thu cả tiền lãi mua 2 cân lúa giống. Thậm chí còn có việc đi mượn cả tiền của dân nữa, nhưng mượn rồi không thấy trả. Than vậy nhưng bà Xứng vẫn cuống quýt dặn với theo, xin không nói lại xã vì sợ "họ thù". Không khỏi xót lòng khi nhìn khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà đã qua nửa đời vất vả, vẫn nơm nớp những nỗi lo toan.

Sổ giao nộp thanh toán hộ.
Sổ giao nộp thanh toán hộ.

Tại gia đình anh Lê Văn Hóa (làng Vỹ Thôn), đôi vợ chồng trẻ không giấu nỗi bức xúc trình bày với phóng viên: “Vụ nào cũng phải đóng cả. Không đóng thì lên xã xin dấu không được. Gia đình tôi nhận thầu khoán ruộng cao, tự tìm nguồn nước tưới tiêu nhưng vụ nào cũng bị thu 41.000đ/sào tiền thủy lợi. Cháu nhỏ nhà tôi mới 3 tuổi cũng phải đóng góp các khoản như người lớn”.

Lật giở từng trang của cuốn sổ, các khoản thu, mức thu, thời gian thu… được trình bày rất cặn kẽ chi tiết và không quên bỏ qua mục ghi nợ. Tính sơ một lượt từ cấp xã xuống đến thôn, có đến trên 20 khoản cả thảy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại địa phương, chính quyền xã và thôn đề ra chủ trương là thu trên tinh thần tự nguyện của người dân. Tuy nhiên trên thực tế, cứ đến mỗi vụ thu, cuốn sổ kê các khoản thu được gửi xuống các hộ, cứ thế mà thực hiện.

Mỗi vụ, các hộ đóng không dưới 15 khoản thu từ xã đến thôn.

Mỗi vụ, các hộ đóng không dưới 15 khoản thu từ xã đến thôn.
Mỗi vụ, các hộ đóng không dưới 15 khoản thu từ xã đến thôn.

Chị Nguyễn Thị Hoa chìa cuốn sổ thu sản của gia đình mình, trình bày: “Gia đình có 4 con đang ăn học, phải mượn cả ruộng người ta làm vẫn không đủ ăn, thế mà phải đóng sản không trừ một khoản nào”.

Trong cuốn sổ của chị Hoa đưa, có thể thấy rất nhiều khoản thu: Quỹ đền ơn đáp nghĩa: 22.000đ; Tiêm phòng gia súc: 21.500đ; Mua vật tư phòng chống lụt bão: 10.000đ; Qũy bảo trợ bà mẹ trẻ em: 2.500đ; Qũy khuyến học: 10.000đ; Thu nợ: 150.000đ; Thu ngân sách xã hội hóa: 250.000đ; Qũy bảo đảm xã hội lương thực 66.700đ. Tổng cộng các khoản mà gia đình chị Hoa phải nộp cho xã là 513.000đ.

Tiếp đến, phần Hợp tác xã thu cũng gồm nhiều khoản: Thu trong định mức: 249.500đ; Thu nợ hợp tác xã 50.000đ. Rồi đến phần thôn cũng thu các khoản như: Qũy văn hóa: 25.000đ; Quỹ phụng dưỡng người già: 2.500đ; Thủy lợi: 42.500đ…

Trạm y tế đã có, nhưng xã xây thêm, rồi tiến hành thu 100.000đ/khẩu trong toàn xã.
Trạm y tế đã có, nhưng xã xây thêm, rồi tiến hành thu 100.000đ/khẩu trong toàn xã.

Ngoài các khoản thu trên, nhiều gia đình còn phải đóng các khoản khác như thuế nhà đất, xây dựng khu trạm xá xã (thống nhất trong toàn xã, mỗi khẩu 100.000đ); Qũy bảo đảm về lương thực 2kg thóc/sào; Thu trong định mức: 41.000đ/sào, thu bảo vệ hoa màu, xây dựng đường bê tông nông thôn, Qũy đào huyệt…

Không riêng gì một vài gia đình này, 1.100 hộ dân ở xã Thiệu Phúc đều phải tham gia đóng góp theo các khoản, mức thu với số khẩu được “niêm yết” rõ ràng trong một cuốn sổ đứng tên ông chủ tịch UBND xã. Chưa hết, tùy từng thôn lại có thêm các khoản thu, mức thu khác nhau. Tất cả được ghi rõ ràng trong cuồn "sổ Nam Tào” do xã cấp.

Người dân không đồng tình với các khoản thu.
Người dân không đồng tình với các khoản thu.

"Làm cán bộ, không ai muốn ép dân đóng góp!?"

Vợ chồng ông Lê Văn Vận (sinh năm 1954, làng Vỹ Thôn) cũng chia sẻ những khó khăn, bức xúc của gia đình. Năm 2010, khi gia đình ông không đóng các khoản thu, xã đã cho người xuống tận gia đình tịch thu ti vi, xe đạp, và bắt cả ông Vận về UB. Sau khi gia đình làm đơn lên huyện, trên chỉ đạo về, xã mới giải quyết trả lại những đồ dùng đã thu trước đó.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Kim Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Phúc xác nhận có những khoản thu như người dân phản ánh. Nếu theo quy định của nhà nước, nhiều khoản thu chưa phù hợp.
 
Tuy nhiên, ông Đồng lý giải, những khoản thu "nhà nước và nhân dân cùng làm", nhưng khi họp dân, có nhiều hộ không đi. "Anh em chúng tôi muốn dân chủ, nhưng người dân đi không đảm bảo quân số. Bán đất thì không bán được mà nếu không làm thì huyện "quy" là thiếu động viên nhân dân. Thực ra làm lãnh đạo địa phương không ai muốn ép dân đóng góp" - ông Đồng quả quyết. Còn việc mượn tiền của dân, Phó Chủ tịch xã cho rằng có thể do công tác giải thích của cán bộ chưa đảm bảo, nhiều khi nguồn vốn hỗ trợ chưa về kịp nên buộc phải huy động của người dân.

Ông Vũ Kim Đồng - PCT UBND xã Thiệu Phúc trao đổi với PV.
Ông Vũ Kim Đồng - PCT UBND xã Thiệu Phúc trao đổi với PV.

Ông Đồng cũng khẳng định, tất cả các khoản thu của thôn đều báo cáo qua xã, được Chủ tịch xã thống nhất cho thu. Phó Chủ tịch xã than khó khi xã còn nghèo, không đáp ứng với những yêu cầu huyện giao, ngân sách trên rót xuống còn chưa kịp, mời họp dân lại không đi. Để người dân đồng tình 100%, ông Đồng cho là... quá khó.

Tình trạng dân nghèo phải "gồng mình" gánh nhiều khoản thu có lẽ không chỉ riêng xã Thiệu Phúc...

Duy Tuyên - Nguyễn Thùy