Đà Nẵng:

Dân muốn mua thực phẩm sạch thì đi đâu?

(Dân trí) - “Cử tri hỏi tôi muốn nhận diện thực phẩm thì cách bằng nào? Dân muốn biết sạch hay không sạch thì bằng cách nào? Người dân muốn ăn an toàn thì mua ở đâu? Bây giờ chợ và siêu thị có cách gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn?”, đại biểu Sơn truy gay gắt.

Tại buổi chất vấn của Kỳ họp 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, chiều 9/12, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn về việc cử tri bất an về tình hình an toàn thực phẩm, có bao nhiêu vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, đã phát hiện thực phẩm nhiễm độc chưa? Bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay toàn thành phố chỉ có 1 vụ ngộ độ thực phẩm với 9 người mắc, không có người tử vong. Nhiều năm liền thành phố không để xảy ra ngộ độc thực phẩm với số người mắc nhiều, không có ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp.

 

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến trả lời chất vấn về tình hình an toàn thực phẩm 
Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến trả lời chất vấn về tình hình an toàn thực phẩm 

Bà Yến cũng nêu dẫn chứng kết quả các đợt kiểm tra của ngành y tế, công nghiệp, công thương chưa phát hiện thực phẩm nhiễm độc. “Với một báo cáo như thế, chúng ta an tâm về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc chúng ta nhập từ bên ngoài vào là 98% thì làm thế nào chúng ta kiểm soát, vấn đề đó mới có thể giải quyết căn cơ được”, bà Yến nói.

Lãnh đạo ngành y tế thành phố cũng phân trần, trước thực tế ngân sách dành cho ngành quá ít ỏi, không đảm bảo cho hoạt động kiểm nghiệm. Hơn nữa, quản lý an toàn thực phẩm là công việc liên ngành, trong khi ban chỉ đạo liên ngành đã giải tỏa. Điều này cũng khiến công việc khó khăn hơn.

Với trách nhiệm của mình, ngành y tế sẽ tham mưu cho thành phố để tổ chức một hội nghị về an toàn thực phẩm mà có sự phối hợp cả ngành y tế, ngành nông nghiệp và ngành công thương.

Không hài lòng với câu trả lời trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn nói: “Giờ chị trả lời chưa phát hiện, dân càng bức xúc!”.

Theo đại biểu Sơn, khi tiếp xúc cử tri, người dân chỉ rất rõ địa chỉ cụ thể bán thực phẩm bẩn: dưa leo mua về để cả tháng vẫn còn xanh, bún sang ngày hôm sau không thiu…

“Cử tri hỏi tôi muốn nhận diện thực phẩm thì cách bằng nào? Dân muốn biết sạch hay không sạch thì bằng cách nào? Người dân muốn ăn an toàn thì mua ở đâu? Bây giờ chợ và siêu thị có cách gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn?”, đại biểu Sơn truy gay gắt.

Cũng liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ đặt câu hỏi với ông Phan Văn Kha – Giám đốc Sở Công Thương: “Bây giờ nói phải có mẫu xét nghiệm mới kết luận được. Ví dụ anh đi mua rượu, anh có biết cách gì để biết rượu giả, rượu thật ko?”.

Ông Kha cho biết: "Nói thật, rượu thật, giả như tôi cũng chịu, cũng bí. Đây là bất cập trong quản lý. Nấu rượu gạo đại bộ phận không sử dụng men Trung Quốc. Họ sử dụng men truyền thống để phục vụ cho chăn nuôi luôn. Chủ yếu là sai sót về mặt đo lường, xử lý về hành chính. Ở Đà Nẵng chưa có cơ sở nào làm quy mô lớn để đưa ra thị trường".

“Việc này đang rất bức xúc nhưng qua hai ý kiến cũng chưa có giải pháp nào. Vì vậy đề nghị thành phố đưa ra giải pháp cụ thể”, đại biểu Sơn nói.

Theo ông Sơn, thực phẩm bẩn không phải ngộ độc ngay mà thấm vào chết từ từ. Dân bức xúc như thế thì thành phố cần phải đầu tư, có những nơi bán thực phẩm sạch để người dân yên tâm.

Vì sao nhà ở xã hội không bán được?

Trả lời chất vấn của đại biểu về nguyên nhân bán nhà xã hội thấp và giải pháp sắp tới, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định về việc bán nhà ở xã hội, quy định đối tượng và điều kiện thực hiện, trong đó có các hộ thực sự bức xúc về nhà ở. Tuy nhiên các đối tượng này không có khả năng thanh toán 100%. Thêm vào đó là vướng mắc ngân hàng khi người dân vay vốn. Việc thí điểm thực hiện từ tháng 4 và đến tháng 6/2015 diễn ra chậm, không như mong muốn.

 


Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng trả lời chất vấn nguyên nhân bán nhà ở nhà hội đạt kết quả thấp.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng trả lời chất vấn nguyên nhân bán nhà ở nhà hội đạt kết quả thấp.

Từ thực tế này, Sở Xây dựng đã tham mưu cho thành phố mở rộng đối tượng mua nhà, làm việc với ngân hàng để tháo gỡ các vướng mắc khi vay mua nhà. Việc này Sở Xây dựng đã gửi công văn đến các sở, ban, ngành, quận, huyện để biết được nội dung nêu trên, đồng thời chỉ đạo công ty quản lý nhà chung cư đăng báo, đài và dán pa nô quảng cáo bán căn hộ chung cư để người dân biết thông tin. Theo ông Hùng, đến nay thủ tục bán nhà đã thuận lợi hơn.

“Mình bán nhà ở xã hội mà cán bộ không thích mua, có phải do đắt ko? Tại sao người ta không thích? Mình vận động lên xuống mới được từng đó người mua. Tâm lý muốn ở ngoài, cái đó cũng có một phần, nhưng tại sao họ lại nộp đơn xin thuê chung cư ầm ầm?”, ông Trần Thọ - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng băn khoăn vè đề nghị Sở Xây dựng suy nghĩ câu trả lời.

Khánh Hồng