Quảng Ngãi:

Dân kêu trời vì xe công trình băm nát đường

(Dân trí) - ĐH83 là tuyến đường huyết mạch nối liền 4 xã Sơn Tân, Sơn Màu, Sơn Tinh và Sơn Lập với trung tâm huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Thời gian qua, các loại xe siêu trường, siêu trọng phục vụ dự án thủy điện Sơn Trà 1 (xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây) đã "băm nát" tuyến đường này khiến việc đi lại của người dân 4 xã miền núi gặp nhiều khó khăn.

Mặt đường hư hỏng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Mặt đường hư hỏng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Tuyến đường ĐH83 chạy qua địa bàn 4 xã Sơn Tân, Sơn Màu, Sơn Tinh và Sơn Lập (huyện Sơn Tây) có chiều dài trên 20 km với hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông qua lại mỗi ngày.

Đây là tuyến giao thông miền núi nên đường ĐH83 quanh co, nhiều đèo dốc. Ngoài sự nguy hiểm do địa hình hiểm trở, gần 1 năm nay người tham gia giao thông trên tuyến đường này còn phải đối mặt với nguy hiểm do mặt đường bị băm nát. Trong đó, đoạn đường khoảng 10 km chạy qua địa bàn 2 xã Sơn Màu và Sơn Tinh bị hư hỏng nặng nhất.

Mặt đường hư hỏng cùng với tình trạng sạt lở núi khiến nhiều điểm bị thắt nút cổ chai.
Mặt đường hư hỏng cùng với tình trạng sạt lở núi khiến nhiều điểm bị "thắt nút cổ chai".

Trên đoạn đường này có hàng trăm điểm mặt đường bị xuống cấp, bong tróc tạo thành nhiều hố sâu, bờ taluy hư hỏng khiến đất đá tràn cả xuống lòng đường. Nhiều điểm hư hỏng kéo dài hàng chục mét, mặt đường chỉ còn trơ đá cuội và bùn đất.

Vừa dỡ hàng từ xe máy xuống quầy tạp hóa, chị Nguyễn Thị Nga (xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây) luôn miệng than thở về tình trạng hư hỏng của tuyến đường ĐH83. Theo chị Nga, để đảm bảo an toàn chị phải đi lấy hàng từ sớm và về trước 5h chiều nhằm tránh vấp phải hàng trăm ổ voi, ổ gà trên mặt đường.

"Đường núi đã khó đi mà mặt đường hư hết nên không đi ban đêm được. Rất nhiều người bị té ngã trên tuyến đường này, may là chỉ bị trầy xước chứ chưa nguy hiểm đến tính mạng", chị Nga cho biết.

Dừng xe đổ thêm xăng tại tiệm tạp hóa của chị Nga, anh Đinh Văn Thăng (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây) cho biết, ngày nào cũng phải đi từ xã Sơn Màu lên xã Sơn Lập làm thuê nên anh thuộc nằm lòng những điểm hư hỏng. Thế nhưng, đi lại trong đêm tối trên tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng như ĐH83 quả là một cực hình. Những ai thường xuyên đi lại trên tuyến đường này vào ban đêm cũng có ít nhất đôi lần bị... đo đường.

"Dù có quen đường cũng phải đi thật chậm không là vấp phải ổ gà té ngã hoặc hư hỏng xe ngay", anh Thăng nói.

Theo anh Thăng, tình trạng mặt đường bị hư hỏng nặng do xe vận chuyển vật liệu, thiết bị thi công thủy điện Sơn Trà 1 gây ra.

"Đây là đường miền núi mà xe có tải trọng lớn chạy suốt ngày này qua ngày khác làm sao chịu nổi. Đường đã nhỏ, lại quanh co, hư hỏng hết nên mỗi lần gặp xe chở vật liệu chạy cùng chiều thì đành phải theo đuôi suốt một quãng đường dài", anh Thăng bức xúc.

Xe chở vật liệu, thiết bị xây dựng công trình thủy điện tấp nập qua lại khiến tuyến đường ĐH83 bị băm nát
Xe chở vật liệu, thiết bị xây dựng công trình thủy điện tấp nập qua lại khiến tuyến đường ĐH83 bị băm nát

Theo ông Bùi Văn Ba - Chủ tịch UBND Sơn Tinh, mặt đường tuyến ĐH83 hư hỏng nặng là nguyên nhân gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông, đã có trường hợp xe tải chở vật liệu bị lật khi đi trên tuyến đường này.

ĐH83 là tuyến đường miền núi cấp thấp với tải trọng chỉ khoảng 10 tấn, trong khi đó xe công trình của thủy điện Sơn Trà 1 có tải trọng hàng chục tấn thường xuyên qua lại khiến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng.

"Nói thì chủ đầu tư bảo là do xe chở keo, nhưng xe chở keo thì thấm vào đâu với các loại xe siêu trường, siêu trọng chở vật liệu xây dựng thủy điện Sơn Trà 1", ông Ba nhấn mạnh.

Theo ông Ba, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng cùng với tình trạng sạt lở đất khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: huyện Sơn Tây đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh và chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 về việc xe siêu trường, siêu trọng làm hư hỏng tuyến đường ĐH83. Tuy nhiên, chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 cho rằng cần phải khảo sát và xác định nơi nào hỏng do xe của thủy điện, nơi nào do mưa lũ gây ra. Khi nào công trình thủy điện Sơn Trà 1 hoàn thành chủ đầu tư sẽ sửa chữa những điểm hư hỏng do xe công trình gây ra.

"Đường đó là đường miền núi, tải trọng thấp mà xe công trình 30 đến 40 tấn chạy sao không hư được. Trong khi đó chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 yêu cầu phải khảo sát để xác định nguyên nhân hư hỏng và phải đợi đến lúc xong công trình mới sửa chữa. Nói như chủ đầu tư thì từ nay đến khi thủy điện hoàn thành người dân của huyện Sơn Tây sẽ đi lại như thế nào?", ông Tùng thẳng thắn nêu quan điểm.

Cũng theo ông Tùng, trước những kiến nghị bức xúc của nhân dân huyện Sơn Tây, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Sơn Tây và chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1 tổ chức xác định nguyên gây hư hỏng tuyến đường ĐH83 để có hướng xử lý.

"Tuyến đường này đã hư hỏng quá nặng nếu cứ để như thế sẽ rất nguy hiểm cho người dân trong mùa mưa bão sắp tới. Về phía huyện rất mong chủ đầu tư sẽ khắc phục, nếu không tỉnh cần bố trí vốn cho sở Giao thông vận tải hoặc cho huyện để sửa chữa tuyến đường phục vụ việc đi lại của người dân", ông Tùng kiến nghị.

Hà Xuyên